• "Passport to Marketing", series video chia sẻ từ những người dẫn đường kinh nghiệm, sẽ là "giấy thông hành" giúp bạn sải bước tự tin vào thế giới Marketing đầy màu sắc, với những hiểu biết nền tảng và định hướng nghề nghiệp rõ ràng về nơi bạn muốn đến.
  • Mở một của hàng đồ ăn vặt cho giới trẻ tưởng chừng đơn giản, nhưng theo kinh nghiệm kinh doanh thành công của một số người đi trước, các bước chuẩn bị phải hết sức cẩn trọng. Để có được lượng khách hàng đông đảo, trước hết phải xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu muốn nhắm tới.
  • Các hướng đi cho người đam mê về Digital Marketing khi mới bắt đầu vào nghề. Bài chia sẻ này rất cụ thể, dễ hiểu và vô cùng bổ ích
  • Tôi có cô bạn sống ở Bỉ. Mùa đông năm ngoái lạnh quá, cô ấy khoe vừa mở được hộp Cao Sao Vàng bôi vào chân tay
  • Rất nhiều thương hiệu trên thế giới đã biết tận dụng tính tương tác và lan truyền của Digital Marketing kết hợp với những ý tưởng truyền thông sáng tạo để cho ra đời những chiến dịch tiếp thị thành công hơn cả mong đợi.

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

3 bài học kinh doanh từ anh bán nước vỉa hè

Đôi khi, những bậc thầy về chăm sóc khách hàng chẳng ở đâu xa, mà có thể chính là người bán nước bạn vẫn thường gặp hàng ngày.



Tôi sống ở Narela – một khu ngoại ô nằm giáp ranh giữa Delhi và Haryana. Do nằm cạnh quốc lộ nên khu vực này có rất nhiều dhabas (nhà hàng giá rẻ phục vụ 24/24) mọc lên cùng với những chaiwalas (xe hàng rong bán nước, trà)... Tất cả đều là những loại thực phẩm tốt và sạch sẽ với giá rẻ nhất.

Một buổi tối trước khi rời nhà trọ để đi dạo đêm, tôi ghé qua quán nước Chinku để uống một tách trà. Là một khách quen của quán, tôi đã khá thân quen với Chinku – chủ quán ngoài 20 tuổi rất chăm chỉ và chịu khó của quán. Tôi thường hỏi anh những câu hỏi về cuộc sống cũng như công việc kinh doanh. Chinku luôn trả lời tôi một cách rất thẳng thắn.

Tôi đang làm đề án nghiên cứu về start-up và có một số vấn đề còn băn khoăn. Ngay lập tức, một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi rằng tại sao mình không hỏi Chinku – ông chủ đang trực tiếp kinh doanh và cũng phải đối mặt với những khó khăn chung khi khởi nghiệp.

Bài học số 1: 

Không bao giờ để cho khách hàng phải chờ đợi 5:30 sáng ngày hôm sau, tôi ghé qua hàng nước vỉa hè của Chinku. Anh mở cửa từ rất sớm, sớm hơn tất cả những người bán hàng xung quanh và luôn duy trì thói quen bận rộn. 

“Tại sao anh lại mở cửa sớm như vậy. Liệu có vị khách nào ghé qua từ 5 giờ sáng thế này không?” – tôi hỏi. 

“Tôi không có nhiều khách hàng vào thời điểm này. Nhưng ngày nào may mắn thì tôi vẫn bán được 20 tách trà từ 5:30 đến 6:30. Thông thường người ta vẫn đến đây từ 7 giờ. Tuy nhiên, mở cửa sớm sẽ giúp tôi có thời gian để chuẩn bị món samosas và bánh mì pakoras. Khi khách hàng order món này, tôi sẽ không mất thời gian bắt họ chờ đợi như những chaiwalas khác. Điều này khiến cho khách hàng của tôi luôn hài lòng” - Chinku trả lời. 

Chinku là một ông chủ rất thông minh. Anh ấy hiểu rằng khách hàng ghét sự chờ đợi và anh đã nghiên cứu rất kỹ về khách hàng. Để khách hàng có được sự hài lòng cao nhất, anh sẵn sàng dậy sớm để chuẩn bị sẵn đồ ăn phục vụ họ. Đó là một chiến lược kinh doanh tuyệt vời! 

Bài học số 2: 
Thuộc khẩu vị của khách hàng 

“Anh vẫn dùng món bhaiya ji quen thuộc chứ?” 
“Tất nhiên, cho tôi một ly”. 

Luôn tùy chỉnh cho hợp khẩu vị của từng khách hàng – Đó là cách mà Chinku xây dựng thương hiệu của mình. Anh ấy luôn nhớ tôi muốn dùng loại đồ uống nào và sẽ hỏi ngay khi tôi vừa đến. 

Tôi thích 1 thìa đường, một ít tỏi và nhiều lá chè. Một thứ đồ uống có vị mạnh. Chinku luôn chuẩn bị chính xác cho tôi. Đó là những gì tôi muốn và tôi sẵn sàng trả tiền cho sở thích của mình. Mỗi lần tôi đến quán nước của Chinku, tôi không bao giờ phải nhắc lại khẩu vị của mình. Anh ấy luôn học thuộc lòng khẩu vị khách hàng và chuẩn bị sẵn cho tôi. 

Bài học số 3: 

Sự hài lòng của khách hàng là ưu tiên số một “Xin mời! Trà của anh đã sẵn sàng rồi” – Chinku nói và đưa cốc trà cho tôi. 
“Ồ, vị của chúng rất tuyệt” – tội nhận lấy và đáp lại – “Chinku, hãy nói cho tôi biết về những chiếc ghế ở trước cửa gian hàng của anh. Anh có tốn nhiều tiền để mua chúng không?’ 

Có chứ, nhưng tôi chỉ phải bỏ ra chi phí lần đầu tiên thôi. Nhờ có những chiếc ghế này, khách hàng của tôi sẽ dành thời gian để ngồi ở cửa hàng lâu hơn. Họ nói chuyện với nhau hàng giờ đồng hồ. Khi ra về họ sẽ mua thêm nhiều đồ ở cửa hàng của tôi hơn” – ông chủ trẻ tuổi chia sẻ. 

Quán nước của Chinku là một ví dụ điển hình về sự đáp ứng dẫn đến sự hài lòng của khách hàng và tạo thói quen để họ quay lại, kết quả là doanh thu của cửa hàng tăng lên. Hóa ra Chinku chính là một doanh nhân mà tôi cần nghiên cứu. Anh ấy có những chiến lược để phát triển doanh nghiệp của mình rất rõ ràng và chi tiết. Lần tới nhất định tôi sẽ hỏi Chinku về chiến lược cạnh tranh của anh.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Masan với tham vọng trở thành nhà nông số 1

Với tham vọng chiếm 50% thị trường thức ăn chăn nuôi sau 5 năm nữa, Masan đang tạo đối trọng mới với kỳ phùng địch thủ CP đến từ Thái Lan

Bên cạnh những hình ảnh thường thấy như mọi năm là mì gói, nước mắm, nước tương, cà phê, Báo cáo thường niên năm 2015 của Tập đoàn Masan công bố vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, hãng này đã có thêm những sản phẩm xúc xích mới. Đây là những dòng sản phẩm từ 2 công ty mà Masan thâu tóm được từ đầu năm 2015 để hiện thực hóa tham vọng hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F (Feed: thức ăn chăn nuôi - Farm: nông trại - Food: thực phẩm trên bàn ăn).

Công ty mới nhất vừa được Masan thâu tóm là Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Trước đó, Masan cũng thực hiện chiến lược mua bán tương tự với Công ty Thức ăn Gia súc Proconco với tỉ lệ nắm giữ mới nhất 52%. Việc sở hữu 52% của Proconco và 70% cổ phần của Anco được Masan thực hiện thông qua một công ty được gọi là Masan Nutri-Science.

Anco - anh là ai?

Anco là doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được thành lập vào năm 2001 với 2 cổ đông người Việt. Đến năm 2003, công ty này có sự tham gia góp vốn của 3 nhà đầu tư Malaysia với tỉ lệ nắm giữ 61% cổ phần. Anco là công ty thức ăn chăn nuôi có tốc độ phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Năm 2014, Công ty đạt tổng công suất sản xuất là 750.000 tấn. Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam năm 2013 cũng thống kê rằng, Anco chiếm khoảng 4% thị phần thức ăn chăn nuôi toàn thị trường. Nhưng Anco đã có một giai đoạn phát triển nhiều sóng gió. Không lâu sau khi phía Malaysia tham gia vào năm 2013, hai nhóm cổ đông Việt và Malaysia đã có những xung đột gay gắt về phân chia quyền lực, sau đó dẫn đến sự ra đi của các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối năm 2013, tại phiên họp đại hội cổ đông Anco, người đại diện của Malaysia đã tuyên bố chính thức rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Thay vào đó là ông Dương Thanh, người đại diện cho một nhóm cổ đông của Anco chấp nhận mua lại “phần tháo chạy” của Malaysia.

110515-masan-1
Thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam năm 2013

Vậy Anco quan trọng như thế nào đối với Masan? Theo nhận định của Masan, sự xuất hiện của công ty con Masan Nutri-Science (sở hữu 2 công ty Proconco và Anco) sẽ đem lại cho Tập đoàn một vị thế mới trong ngành thức ăn chăn nuôi trị giá khoảng 6 tỉ USD ở Việt Nam. Proconco và Anco kết hợp lại sẽ là công ty sản xuất thức ăn cho lợn lớn nhất (không bao gồm trại gia công) và là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Công ty CP của Thái Lan, với sản lượng thức ăn chăn nuôi cung cấp cho thị trường năm 2014 là trên 1,7 triệu tấn, cùng 2.000 đại lý và 13 nhà máy. Không chỉ có thức ăn chăn nuôi, Anco còn là một khối liên kết thống nhất của 4 công ty chuyên sản xuất và kinh doanh trong các lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc và thực phẩm chế biến, với sản phẩm xúc xích dinh dưỡng dành cho trẻ em Xuxifarm. Trong khi đó, Proconco với sản lượng 1,4 triệu tấn đang chiếm khoảng 8% thị trường. Dù chưa chia sẻ cụ thể về chiến lược phát triển của Masan Nutri-Science (bao gồm Proconco và Anco), nhưng Masan cho biết, họ đã có kế hoạch thay đổi toàn diện công ty này bằng cách áp dụng các chiến lược tốt nhất của ngành hàng tiêu dùng nhanh mà họ từng có kinh nghiệm. Hiện tại, những nhân vật lãnh đạo ở Anco va Proconco vẫn được giữ lại. Ông Ernest Vijyakumar Richards, quốc tịch Malaysia, người được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Anco vào cuối năm 2013, vẫn tiếp tục điều hành Anco. Ông Ernest Vijyakumar Richards là một nhà quản trị giỏi được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm làm việc ở nhiều thị trường mới nổi như Ấn Độ, Malaysia và Myanmar. Trong khi đó, ông Phạm Trung Lâm sẽ là người được Masan cử làm thuyền trưởng dẫn dắt quá trình thay đổi toàn diện sắp tới ở Masan Nutri-Science. Ông Lâm từng là Giám đốc Chiến lược Khách hàng của Masan Consumer, một công ty con của Masan rất thành công trong các ngành hàng sản phẩm tiêu dùng và cũng là người đóng vai trò trọng yếu trong việc xây dựng Masan Consumer thành công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam. Masan cũng phát đi thông điệp rằng họ muốn trở thành nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam với ít nhất 50% thị phần vào năm 2020. Đó là chưa kể đến hồi đầu năm 2015, Masan cũng đã hoàn tất mua lại 100% cổ phần Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Saigon Nutri Food, thuộc Tập đoàn Quang Dũng, chuyên sản xuất xúc xích, đồ hộp và chả giò snack ăn liền tại tỉnh Bình Dương với giá 200 tỉ đồng. Như vậy, qua 3 công ty thuộc nông nghiệp mà Masan mua từ đầu năm đến nay cho thấy Tập đoàn rất lưu tâm đến chiến lược phát triển nông nghiệp trong chu kỳ kinh tế mới.

110515-masan-2

Đối trọng mới của CP

Masan đang bước vào một sân chơi khá hấp dẫn và nhiều đối thủ. Tổng quan ngành thức ăn chăn nuôi có giá trị khoảng 6 tỉ USD, trong khi ngành hàng protein động vật nói chung vào khoảng 18 tỉ USD. Theo lý giải của Masan, tại Việt Nam, sản phẩm thịt được chế biến chiếm tỉ lệ dưới 1% của lượng tiêu thụ thịt, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc (chiếm 13%). Bên cạnh đó, khi mức thu nhập gia tăng, lượng tiêu thụ các sản phẩm thịt chế biến (đóng gói, xúc xích...) cũng sẽ tăng và tập trung chủ yếu vào sản phẩm có độ vệ sinh thực phẩm cao, cũng như thương hiệu lớn.

Tiềm năng của lĩnh vực này không chỉ hấp dẫn Masan. Hồi giữa tháng 3.2015, tập đoàn Hòa Phát cũng chính thức nhảy vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi khi thành lập Công ty Sản xuất Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát (vốn điều lệ 300 tỉ đồng). Với công suất khoảng 300.000 tấn/năm, tập đoàn này có tham vọng chiếm 10% thị phần thức ăn chăn nuôi trong 5 năm tới.

Tiềm năng lớn, nhưng thách thức dành cho Masan hay Hòa Phát cũng lớn không kém. Bởi lẽ, họ phải chạm trán với những tay chơi nước ngoài đang thống trị thị trường này trong gần 20 năm qua như New Hope, Cargill, trong đó mạnh nhất là CP của Thái Lan. CP không chỉ thống trị về thị phần thức ăn chăn nuôi mà còn rất mạnh ở cả ngành hàng protein động vật. Họ đang nắm vị trí số 1 thị trường thức ăn chăn nuôi với 18% thị phần, cũng chiếm khoảng 5% thị phần thịt heo, 30% thị phần thịt gà tại Việt Nam. CP hiện là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đã hiện thực hóa được quy trình chuỗi khép kín trong lĩnh vực chăn nuôi, tham gia vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất, từ sản xuất con giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chế biến và phân phối thực phẩm.

Vậy liệu tham vọng thống lĩnh 50% thị trường thức ăn chăn nuôi của Masan có thể đạt được khi có “chướng ngại vật” CP? 50% thị phần là một con số không hề nhỏ, đặc biệt với thị trường cạnh tranh cao như thức ăn chăn nuôi. Nhưng nếu như có câu hỏi rằng, có doanh nghiệp Việt nào có thể đấu lại các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài như CP hay Cargill, xóa bỏ sự manh mún trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và cả ngành thịt chế biến thì có lẽ không ai có khả năng hơn Masan.
Trước hết, vì Masan là công ty có nguồn lực tài chính mạnh và đủ kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối. Họ xác lập mô hình kinh doanh “sở hữu tài sản”, theo đó liên tục huy động vốn từ các tổ chức tài chính và giải ngân vào các công ty hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng. Masan đã huy động được 2 tỉ USD từ các định chế tài chính quốc tế tên tuổi trong những năm qua bằng chính niềm tin về sự lớn mạnh của Tập đoàn. Đây là một nguồn vốn lớn hiếm có doanh nghiệp Việt Nam nào tiếp cận được. Bên cạnh đó, Masan cũng đã tập hợp được một đội ngũ quản lý có kinh nghiệm đến từ các công ty đa quốc gia hàng đầu như Unilever, Nestlé, P&G, Pepsi, OZ Minerals, Placer Dome.

Về sản xuất, kinh nghiệm từ những lĩnh vực hàng tiêu dùng mà họ trải qua trong lịch sử cũng cho thấy khả năng đó. Masan đã vẽ lại thị trường mì gói khi tham gia vào lĩnh vực này, vốn trước đây do Acecook thống lĩnh. Họ cũng nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan sau khi mua lại Vinacafé Biên Hòa. Các ngành hàng nước mắm, nước tương, vốn rất manh mún trước đây, cũng nhanh chóng được Masan thiết lập xu hướng khi tập đoàn này nhảy vào. Và quan trọng hơn cả là các đầu não về tài chính, nền tảng của kinh doanh đã tập hợp mạnh dưới trướng của ông chủ Masan, tạo thành lực đẩy để tập đoàn này “phình to”. Hãy chờ xem những cú ngoạn mục mà Masan sẽ trình diễn trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới như thế nào, cũng như lời đáp cho câu hỏi: “Masan có khoác thành công chiếc áo của nhà nông hiện đại”?
Theo NCĐT

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Bộ tài liệu khủng hoảng truyền thông

Giống như rất nhiều thuật ngữ của ngành truyền thông tiếp thị, “khủng hoảng truyền thông” là một thuật ngữ mà Việt Nam vay mượn từ tiếng Anh (dịch nguyên vẹn từ từ “crisis” ra). Theo định nghĩa giáo khoa, khủng hoảng truyền thông “là bất kỳ một sự kiện ngoài ý muốn nào mang mối đe dọa nghiêm trọng đến uy tín của công ty và /hoặc niềm tin của các bên liên quan. Sự kiện có thể là một hành động vi phạm lòng tin, một sự thay đổi trong môi trường cạnh tranh, cáo buộc bởi các nhân viên hoặc những người khác, một nghị định đột ngột của chính phủ, lỗ hổng trong sản phẩm, hoặc bất kỳ tác động tiêu cực nào khác” hay nói một cách đơn giản, “khủng hoảng là bất kỳ một sự kiện nào có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của công ty đối với công chúng của nó”

bo-tai-lieu-khung-hoang-truyen-thong

Trong bài viết này tối sẽ chia sẻ với các bạn bộ tài liệu về khủng hoảng truyền thông
  1. Truyền thông xử lý khủng hoảng - Diễn Đàn Doanh Nghiệp
  2. Xử lý khủng hoảng - Tác giả: Lê Trần Bảo Phương
  3. Quản trị khủng hoảng ký thuật số 3.0 bằng nội dung - Nguyen Thanh Son, Tổng giám đốc, T&A Ogilvy
  4. Quan hệ với truyền thông khi xảy ra ngoài ý muốn - Le Bros
  5. 5 xu hướng trong quản lý khủng hoảng truyền thông
  6. Quản lý khủng hoảng - Nguyen Hoang Sinh
  7. Case Study Khủng hoảng truyền thông của Nutifood - Ban Chuyên Môn MaC FTU
Dowload tại đây

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Marketing trong thời trang: Hiểu đúng - làm hay

GS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm là tiến sĩ xã hội học - kinh tế, nguyên là giáo sư về kinh tế phát triển và chiến lược ngoại thương tại Đại học Tổng hợp Brussels (Bỉ), hiện đang đảm trách một số chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế với nhiều trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và tư vấn cho một số doanh nghiệp lớn.


Với bề dày trên 30 năm nghiên cứu, giảng dạy đại học và làm tư vấn về chiến lược phát triển cho nhiều tập đoàn ở các nước Âu - Mỹ, ông đã chia sẻ với người đọc Việt Nam nhiều kinh nghiệm chuyên môn cũng như kinh nghiệm sống qua một số đầu sách như: Ngộ; Dấu ấn thương hiệu: Tài sản và giá trị (3 tập); Thị trường - Chiến lược - Cơ cấu: Cạnh tranh về giá trị gia tăng, định vị và phát triển doanh nghiệp. Và đầu tháng 11 vừa rồi, NXB Trẻ vừa phát hành cuốn sách mới nhất của ông: Từ Marketing đến Thời trang và Phong cách sống.

Làm sáng tỏ những nội hàm và phương pháp, công cụ cơ bản của triết lý và tư duy marketing, ứng dụng đường hướng marketing ấy trong lĩnh vực thời trang là những nội dung chính mà GS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm chuyển đến bạn đọc qua cuốn sách này.

Marketing là gì? Rất nhiều người làm kinh doanh còn chưa hiểu hết ý nghĩa của từ này. Marketing vẫn được chuyển ngữ là "tiếp thị" - tức đón nhận, gặp gỡ, kết nối thị trường. Nhưng như vậy là mới chỉ hiểu được khái niệm này ở dạng mô tả, chưa nắm được bản chất của nó: đón nhận, gặp gỡ, kết nối thị trường để làm gì, với mục đích chủ yếu gì, có cứu cánh gì?

GS. Thiêm giải thích: "Thuộc tính của từ marketing khởi nguyên với việc kết nối hai từ, hai ý niệm cơ bản: một là "market: thị trường" và hai là "-ing" vốn là một hậu tố thể hiện động thái, chính xác là tính đang chuyển động. Từ đó, marketing có nguyên nghĩa đầu tiên là sự chuyển dịch của thị trường, chính xác là những động năng làm nên sự vận hành của thị trường. Do vậy, triết lý cơ bản của marketing phải là tìm cách chuyển hóa sự vận hành ấy theo chiều hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp, nghĩa là mang đến những giá trị cộng thêm cao nhất cho doanh nghiệp và các đối tác liên quan, từ trực tiếp đến gián tiếp".

Theo tác giả, quan niệm về thời trang cũng mắc phải khuyết điểm tương tự, với "định nghĩa" rằng: "thời" là hiện tại, là thời đại; "trang" là trang phục, áo quần.

GS. Thiêm cho biết: "Trong tiếng Anh, từ "fashion" bắt nguồn từ gốc tiếng Pháp "à la façon de" nghĩa là "theo kiểu cách của...". Và những thể loại lẫn lĩnh vực "theo kiểu cách của" không chỉ chủ yếu là trang phục, mà còn cơ bản là trang điểm, trang sức, trang bị và cả những đường hướng trang trí, trang hoàng cho hoàn toàn nhất quán nhằm làm nổi trội cả một tổng thể được nhắm đến".

Theo đó, "Thực chất, thời là sự phù hợp với một khoảng thời gian, không gian cùng những con người nhất định; trang là tô điểm, làm cho đẹp hơn, nổi bật lên".

GS. Thiêm viết: "Trong lĩnh vực thời trang, rất nhiều kiểu cách của nhiều chủng loại hàng hóa phải bổ trợ cho nhau, tương tác, hòa thông với nhau, để góp phần tạo nên trào lưu thời thượng, khuynh hướng thời trang, phong thái đặc thù trong cuộc sống và luôn cả thần thái đặc trưng của một cá nhân. Bởi lẽ đơn giản là phong cách sống không bao giờ nằm trong một thể loại hàng hóa duy nhất mà trong tất cả các hàng hóa thuộc sở hữu của người tiêu dùng, nghĩa là trong tổng thể quá trình mua sắm của họ, phù hợp với quan niệm của bản thân họ về cuộc sống và với mức sống của họ".

Như vậy, việc đào sâu chủ đề marketing sẽ không chỉ hữu dụng riêng cho các doanh nghiệp chuyên về thời trang, mà còn cần thiết trong rất nhiều lĩnh vực có liên quan đến phong cách sống lẫn quan niệm sống.

Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn online

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

PR Việt Nam

Tôi có cô bạn sống ở Bỉ. Mùa đông năm ngoái lạnh quá, cô ấy khoe vừa mở được hộp Cao Sao Vàng bôi vào chân tay, ấm lắm, "nhưng mà khiếp quá, mở mất ba mươi phút, toát hết mồ hôi".
Tôi cười lăn vì vẫn còn nhớ hộp cao thần thánh này, phải nói mở được nó là một kỳ công pha trộn giữa may mắn, kỹ thuật và nghệ thuật. Phải thẳng cánh quật nó xuống nền nhà, mà quật nghiêng cơ, chứ nếu quật thẳng khiến mặt bẹt áp xuống đất thì nó càng dính chặt. Quật xong chạy theo nhặt lên xem bung nắp chưa, nếu chưa lại quật xuống lần nữa, lần nữa, cứ thế. Cũng có khi vừa quật xuống thì hai nửa hộp bằng kim loại sẽ hé ra, phải thò ngón tay vào cạy tiếp cho chúng tách hẳn. Mở một hộp cao tròn dẹt, dày độ hai phân, đường kính gấp đôi nút home của iPhone mà có khi cả nhà thay phiên nhau vẫn không được.

Bên kia bạn tôi bảo ban đầu mở bằng ngón tay, xong mở bằng móng tay, lần nào cũng gãy móng cho đến khi phát minh được cách mở hộp như trên. Nhưng sàn nhà chung cư khá mỏng, quật lên quật xuống đèn đẹt thì hàng xóm bên dưới phàn nàn. Chính vì thế mà một túi mấy chục hộp cao được mẹ dúi cho cách đây hai mươi năm vẫn nguyên xi, theo chân cô ấy từ sinh viên, đến khi đi làm, lấy chồng, có con, đi khắp các châu lục trên thế giới đến giờ vẫn còn đến năm sáu hộp mới tinh khôi, mặc dù chất lượng tốt lắm. Chồng cô ấy thích nhất sau khi tập thể thao được massage bằng thứ dầu thơm và nóng ấy, hay khi trẻ con bị đầy hơi thông thường, xoa quanh rốn chúng lát sau sẽ hết.
Nhiều năm trôi qua, chai dầu xanh Singapore đánh bật Cao Sao Vàng ra khỏi túi áo người tiêu dùng. Ở Sài Gòn bây giờ tôi không biết mua Cao Sao Vàng chỗ nào. Nhưng mới năm ngoái, trên trang eBay và Amazon, rộ lên thông tin Cao Sao vàng Việt Nam giá bán 2 USD đến 4 USD mà cháy sạch hàng. Có lẽ người tiêu dùng nước ngoài đã phát minh ra cách mở hộp cao hiệu nghiệm hơn chăng?
Hôm trước, trong buổi gặp giữa doanh nghiệp trang trại với câu lạc bộ phóng viên nông nghiệp TP HCM, ông Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Vinamit bức xúc nói Thái Lan làm rất tốt việc PR sản phẩm, chính Thủ tướng họ trực tiếp làm; còn ở Việt Nam chưa thấy ai làm việc này cả mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản đặc sắc được bạn hàng nước ngoài ca ngợi như tiêu, chanh dây, khoai...



Ông Viên nói không sai tí nào. Nhưng muốn PR có hiệu quả lâu dài thì sản phẩm phải ưng lòng thượng đế đã, chớ để mở một hộp dầu mà phải qua đào tạo và gắn móng tay giả thì cực lòng quá, thôi chuyển qua mua chai dầu xanh hai nắp vặn nhẹ nhàng cho rồi.

Bao bì bắt mắt là yếu tố níu khách đầu tiên của sản phẩm. Nhưng bao bì và tính tiện dụng của không ít sản phẩm Việt Nam thường không được doanh nghiệp đầu tư. Trên đầu chai dầu ăn, chai nước mắm có vòng nhựa giật nhưng nhiều loại giật phát đứt bay cái vòng chứ không bung được nắp ra. Bánh kẹo, đặc biệt các nhãn hàng quốc doanh phía Bắc, từ hàng chục năm nay vẫn trung thành với kiểu bao nilon hàn một đầu, bên trong lăn lóc mảnh giấy ghi nhãn in nhem nhuốc. Các loại thức ăn sẵn hoặc đóng hộp to đùng, hoặc để nguyên miếng rất lớn, hoặc phải chế biến cầu kỳ. Ít có sản phẩm nào chiều người dùng như một loại thức ăn vặt của Nhật, trong một túi nilon nhỏ có đến bảy loại đủ mặn ngọt, mỗi thứ chỉ vài miếng nhưng gộp lại rất vừa vặn cho khẩu phần ăn vặt của một nhân viên văn phòng lúc 3h chiều chẳng hạn.

Chất lượng của sản phẩm thì quá nhiều thông tin không tốt. Ví dụ như với hàng nông sản, tôi xin nhắc lại lời ông Lâm Viên: "Xoài từ lúc ra bông đến khi thu hoạch, nhà vườn phun đến 40 lần thuốc các loại. Chính chúng tôi mua hàng Việt Nam cũng sợ".

Chúng ta cứ chê bai thị trường Trung Quốc, nhưng thực tế chỉ có thị trường Trung Quốc chịu mua nông sản như thế này của Việt Nam. Do thói quen và do thiếu hiểu biết, số đông nông dân dễ dàng chấp nhận mỗi năm đổ ra lượng tiền lớn hơn để mua phân thuốc mới nhất, được quảng cáo là mạnh nhất. Đất đai Việt Nam giờ không đủ chuẩn để canh tác nông nghiệp hữu cơ, do nông dân mình quá lạm dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học suốt hàng chục năm nay. Ông Viên kể, ông hỏi người bạn Đan Mạch có nhà máy chế biến tiêu ở Việt Nam xem có cách gì làm nông sản sạch hơn không, ông này trả lời chịu, chỉ có cách rửa sạch nguyên liệu nhiều lần và trộn với sản phẩm đạt chuẩn để giảm bớt dư lượng thuốc trừ sâu, nhưng như thế là tự làm giảm chất lượng.

Vào nhiều vườn trái cây ngọt tứa nước, đáng lẽ phải rất nhiều kiến nhưng hầu như chẳng có. Côn trùng và các hệ vi sinh vật có lợi trong đất hầu như đã bị thuốc giết hết. Thành ra mới có chuyện thoạt nghe như hài hước trong nông nghiệp Việt Nam là ông nông dân Đoàn Văn Le ở Trảng Bom (Đồng Nai) tỉ mẩn nuôi kiến vàng để ăn sâu, làm sạch vườn trái cây của gia đình.
Với hiện trạng bi đát như thế và hứa hẹn sẽ còn kéo dài, tôi nghĩ không có cách nào để PR tốt cho hàng Việt Nam.
Hoàng Xuân

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

Bật mí tự học Digital Marketing cho người mới bắt đầu

1. Bạn có thích Digital Marketing không?

Trong quá trình làm việc, giảng dạy và hướng dẫn những bạn mới tiếp cận với Digital Marketing mình thấy các bạn đều có một điểm chung là chưa nắm chắc được là mình có thích không, với các bạn thích lại không biết bắt đầu từ đâu (và đa phần các bạn cũng không biết là mình thích cái gì), đây thực sự là một vấn đề rất lớn vì sẽ rất lãng phí thời gian & tiền bạc của các bạn.

  digitalmarketing 

 Tuy nhiên ở đây lại là vấn đề Con gà & Quả trứng: Không cho thử làm sao biết có thích không? Vì lý do như vậy nên mình cũng rất hoan nghênh các bạn muốn thử sức trong Digital có thể liên hệ mình: Linkedin, Facebook. Vậy thử như thế nào? Sao cho nhanh nhất? Bao lâu để biết bạn có phù hợp không? Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một số thông tin để giúp các bạn (những bạn chưa có định hướng - nếu bạn đã có người hướng dẫn hãy cứ làm theo người hướng dẫn bạn) trả lời câu hỏi "Thử như thế nào? Sao cho nhanh nhất? Thử bao lâu? " Mời bạn xem Video dưới đây:

2. Digital Marketing Là Gì?

Theo mình Digital Marketing là tổng hợp các phương thức tiếp cận khách hàng mục tiêu, truyền tải thông điệp mục tiêu sử dụng Web (social, seo, sem...), mobile(sms, app..), email..., xem thêm: Khái niệm Digital Marketing. Về bản chất Digital Marketing vẫn là Marketing, chỉ khác Marketing truyền thống ở cách vận dụng các công cụ khác nhau, các hình thức quảng bá khác nhau để đạt được mục đích truyền tải thông điệp, do vậy bạn phải luôn lưu ý phát triển các kỹ năng thuộc về bản chất của Marketing như: Các kiểu logic về nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch, thông điệp truyền tải...nếu muốn tiến xa hết mức trong Digital Marketing vui lòng đừng bỏ phần gốc.

3. Tại sao chọn Digital Marketing?

Đây là công việc ít phải di chuyển (không tính làm Account), tiếp xúc nhiều với máy tính, đa phần Digital Marketer đều làm việc trong môi trường khá mái thoải (thời gian làm việc dễ chịu, lương cũng được, tha hồ đề xuất ý tưởng mới...), bạn có thể làm việc gần như mọi lúc, mọi nơi....dễ làm freelance. Bạn được là chính mình, bạn có thể trao đổi với sếp như cách bạn nói chuyện với đồng nghiệp hay bạn bè của bạn, Digital Marketing còn rất mới vì vậy đa phần bạn sẽ làm việc với những người trẻ và năng động. Ăn mặc thoải mái, bạn có thể mặc đủ thể loại quần áo để che thân (trừ khi bạn là sale hoặc account), di giày thể thao, quần áo gọn gàng là được. Nghe nhạc bằng headphone trong giờ làm việc cũng được nếu nghe nhạc không làm bạn mất tập trung trong công việc. Chỉ cần bảo đảm report đúng giờ là ổn cả. Thử tìm kiếm Digital Marketing trên Google Trends các bạn sẽ thấy nhu cầu chung về Digital Marketing đang tăng rất mạnh trong thời gian qua.

4. Bạn là sinh viên mới ra trường?

Vấn đề đầu tiên các bạn hay gặp là "ra trường làm gì?". Đây là câu hỏi mà một số bạn mới ra trường hay hỏi mình (lúc mới ra trường mình cũng tự hỏi). Tại sao lại hỏi câu này khi đã ngồi 3-5 năm trong trường để học về chuyên ngành bạn đã đăng ký? Vì đa phần các bạn không hình dung được công việc mình sắp làm sẽ như thế nào, vì sau khi học thấy mình không hợp với ngành học, vì thấy ngành mình học khó kiếm việc, vì ngành học không rõ ràng 1 kỹ năng riêng biệt nào.... Nếu bạn không biết bạn thích làm gì dẫn đến bắt buộc phải thử tất cả những thứ bạn có thể thử, và với Digital Marketing sẽ không khó để có được một số trải nghiệm, có thể sẽ không hợp với bạn nhưng cũng là một kinh nghiệm cho sau này.

5. Bạn đang làm Marketing truyền thống?

Dấu hiệu nào bạn nên chuẩn bị cho việc học Digital Marketing? Dấu hiệu rõ ràng nhất là công ty bạn đã, đang hoặc sắp có một website hoặc dữ liệu khách hàng có liên quan đến kỹ thuật số (như email, số điện thoại...).Những người đã đi làm có rất nhiều lợi thế để bước chân vào Digital Marketing như: Nguồn tài chính vững mạnh, có mối quan hệ rộng, được sếp tin tưởng giao việc (hoặc tự làm)...
  PR-truyen-thong

Các bạn nên biết rằng cũng ở cùng một điểm xuất phát nhưng các bạn sinh viên không có tài chính, cơ sở vật chất, công cụ/tài chính để thử những gì mình làm như các bạn vì vậy các bạn sẽ nhanh giỏi hơn rất nhiều.

6. Kinh Nghiệm, Cơ Hội, Thách Thức

Bản chất của kinh nghiệm chính là sự chứng minh bạn có khả năng xử lý các tình huống trong quá khứ (vì vậy bạn có thể xử lý các tình huống trong tương lai), đó chính là lý do bạn sẽ có cơ hội tìm được việc làm/được mở rộng kiến thức cao hơn khi bạn chọn Digital Marketing. Tại sao lại nói bạn sẽ có cơ hội việc làm cao hơn khi làm Digital Marketing? Do đặc thù Digital Marketing liên quan nhiều đến máy tính vì vậy chỉ cần có máy tính là gần như bạn có thể trải nghiệm được những phần việc mà bạn yêu thích. Nhưng các bạn cũng lưu ý là do khả năng trải nghiệm quá dễ nên sẽ dẫn đến có quá nhiều kinh nghiệm trải nghiệm khác nhau, cách bắt đầu khác nhau và điều này có thể dẫn bạn đi lan man không rõ mục đích, để tránh điều này các bạn nên tiếp xúc nhiều hơn với những người trong ngành (hội thảo, event, đi chơi...).

Học Digital Marketing như thế nào?

Có 2 phương pháp cơ bản là phương pháp tự học và học tại các trung tâm. Bên dưới mình sẽ phân tích chi tiết hơn để bạn thấy nên chọn phương pháp nào, nhưng trước hết mình hãy đi lướt qua các công cụ của Digital Marketing. 1. Những công cụ hay dùng trong Digital Marketing
  • Website/landing page/blog...
  • Content (nội dung) - có thể không được tính là một công cụ nhưng là phần hay dùng nhất.
  • SEO (Search engine optimization - tối ưu hóa website cho công cụ tìm kiếm).
  • SEM (Search Engine Marketing - Tiếp thị trên các công cụ tìm kiếm, ví dụ như quảng cáo trên Google Adwords).
  • Email Marketing (Tiếp thị tới người dùng bằng email).
  • Online PR (Quan hệ công chúng trên môi trường internet).
  • Quảng cáo banner online.
  • Social Media Marketing (Tiếp thị và tương tác với người dùng online thông qua các mạng xã hội).
  • Mobile Marketing (Mobile application, SMS, Location based...).
  • Web analytics (hay dùng Google Analytics).
2. Học tại các trung tâm giảng dạy Digital Marketing

 Nếu bạn có 3-4 triệu và bạn không có nhiều thời gian để mày mò tự học, lúc này học ở các trung tâm là cách khá nhanh để bạn tiếp cận và hiểu cách Digital Marketing hoặc một công cụ của Digital Marketing vận hành như thế nào, các bạn lưu ý là đi học chỉ đem lại những điều căn bản nhất - đừng mong đợi những gì trên lớp dạy sẽ giúp bạn tự tin làm được, muốn làm được bắt buộc các bạn phải tự tìm hiểu hoặc đọc thêm vì trên lớp thầy sẽ chỉ giảng những điểm mấu chốt. Những lưu ý: Tiền mua được khóa học nhưng không mua được kiến thức - đừng bỏ tiền ra đi học hết khóa này đến khóa khác. Học khoảng 2 khóa là biết bạn có hợp không rồi. Bạn đi học là trả tiền để được hỏi, hỏi nhiều vào, ra khỏi lớp mà nhờ mấy ông thầy này tư vấn sẽ rất đắt tiền. Nên học những khóa riêng biệt cho một công cụ của Digital Marketing. Đừng tham học nguyên bộ Digital Marketing vì học quá nhiều đến lúc học xong cũng chưa rõ cái gì cả. Luôn làm bài tập về nhà một cách cực kỳ nghiêm túc, tự mày mò ở nhà rồi lên lớp hỏi thầy thêm. Cho dù bạn đi học tại các trung tâm bạn cũng phải luôn tự học thêm, khi bạn đi học thường sẽ được chia sẻ một số bí quyết rất hữu dụng cho bạn sau này. 

  3. Tự học Digital Marketing Tự học không dễ, mình cũng từng như vậy và đã phải mất 5 năm mới nắm được một số kinh nghiệm, kiến thức nhất định , Nhưng nếu bạn có đam mê thì tự học là một cách rất hay để bạn từ từ khám phá những điều thú vị của Digital Marketing mà chỉ có tự học mới đem lại cho bạn cảm giác đó. Steve Job's từng phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp của đại học Standford, bài phát biểu này đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều, và mình tin là các bạn cũng nên tìm cho các bạn một công việc mà các bạn yêu thích để khởi đầu hoặc chuyển hướng.

"Your work is going to fill a large part of your life, and the only way to be truly satisfied is to do what you believe is great work. And the only way to do great work is to love what you do. If you haven't found it yet, keep looking. Don't settle."

  4. Làm sao để tự học, bắt đầu từ đâu?

 Mỗi người mà mình biết đều có cách tiếp cận và học khác nhau, mình khuyên các bạn hãy chọn cho mình một công cụ của Digital mà bạn thích để theo đuổi. Nếu vẫn chưa biết bạn thích gì trong Digital Marketing - Hãy bắt đầu với việc tự làm website bằng mã nguồn mở. Sau khi làm (hiểu) được cách website (vận hành) thì coi như các bạn đã đủ đam mê và có vốn để đi tiếp rồi. Tuy nhiên nếu bạn không làm được website hãy cứ học những thứ khác từ từ biết đâu bạn có con ra con đường riêng của bạn. Bây giờ (thường khoảng 1-6 tháng từ lúc bạn tìm hiểu về website) đã đến lúc bạn chọn cho mình một trong các công cụ của Digital Marketing để chính thức bắt đầu, hãy chọn một công cụ đem lại cho bạn khả năng được thực hành (được làm thực tế) nhiều nhất có thể. 5. Thang điểm về độ khó các công cụ Digital (Cảm nhận cá nhân, vui lòng đừng yêu cầu mình chứng minh, đây là đánh giá độ khó của một công cụ và không phải là đánh giá mức độ thông minh của người đang làm các công cụ này):
  1. Website (3) (10) - dễ để làm một website mã nguồn mở và hiểu cách vận hành, khó khi làm những tính năng đặc biệt.
  2. Content (6,5) - Muốn tự học content, cách viết không khó nhưng bạn cần 1 chút năng khiếu.
  3. SEO (8,5) - Khó đấy nhưng học xong bạn sẽ xử lý được tất cả các công cụ còn lại rất dễ (trừ content) do khả năng tìm kiếm thông tin của bạn cũng rất siêu phàm sau khi làm seo giỏi, ngoài ra SEO cũng là đối tượng được săn đuổi rất nhiều.
  4. SEM (5) - Khá khó khi các bạn bắt đầu nhưng qua được mấy thứ về nghiên cứu từ khóa thì sau này sẽ dễ học.
  5. Email Marketing (5) (8) - Khá đơn giản để bắt đầu (5) nhưng muốn thành người giỏi (8) thì rất khó khăn và đòi hỏi phải hiểu nhiều thứ liên quan.
  6. Online PR (7): Cũng như content nhưng phải biết cách mở rộng quan hệ, giao lưu nhiều.
  7. Quảng cáo Banner (3)(8): rất dễ nếu bạn muốn mua, chạy, hiểu được nó, rất khó nếu bạn muốn tối ưu nó.
  8. Social Media Marketing (4)(8): Dễ tiếp cận (4) nhưng cũng khó để thành công nếu bạn không có 1 chút năng khiếu giao tiếp.
  9. Mobile Marketing (7) : Cần bạn hiểu nhiều về hành vi người dùng với mobile và những thứ liên quan đến copy, user experience...căng lắm :).
  10. Web Analytics (9): Rất khó vì nếu bạn không hiểu các công cụ khác lúc này sẽ chẳng biết thống kê cái gì, report cái gì, thế nào là tốt, thế nào là xấu...rất ít tài liệu tiếng việt, nhiều khi nhìn vào mấy đoạn code mà nản nhưng đây là phần rất rất thú vị.
Bạn nên chọn nếu:
    • Bạn rất thích (hoặc rất muốn thử).
    • Khả năng bạn thực hành rất cao và rất nhiều.
    • Phù hợp với nguồn tài chính hiện có của bạn
    • Bắt đầu với một số công cụ của Digital
    • Lý thuyết về Digital có rất nhiều trên mạng nhưng điểm quan trọng là phải thực hành thật nhiều, do đó trong quá trình làm đừng ngại việc làm miễn phí cho ai đó, đừng nghĩ mình bị bóc lột...cố gắng cày.
1. Cách làm website bằng mã nguồn mở Rất nhiều bạn bè, team member của mình đã và đang thành công trong lĩnh vực Digital đều có cách tiếp cận riêng nhưng đều biết làm website bằng mã nguồn mở hoặc một số kiểu website khác.

  wordpress-la-gi 

 Biết làm website không có nghĩa là bạn phải biết lập trình hay thiết kế, bạn có thể bắt đầu bằng việc làm blog (nên dùng Wordpress blog) sau đó từ từ bạn học cách website/blog vận hành, mối liên quan code và cơ sở dữ liệu, giao diện ...và từ từ bạn sẽ tự làm được một website cho bản thân bằng mã nguồn mở (Wordpress là lý tưởng nhất, Joomla cũng dễ học). Các bạn đừng xem nhẹ website vì gần như tất cả mọi hoạt động Digital Marketing đều chạy quanh website nên nếu bạn không biết làm website bằng mã nguồn mở cũng nên hiểu được cách một website vận hành và các thành phần của nó là gì, chỉ có như vậy bạn mới có thể thành công trong Digital marketing. Hãy lưu ý là học cách website vận hành, mối liên hệ giữa mã nguồn (code), cơ sở dữ liệu, giao diện, hosting còn các phần nào liên quan đến cách lập trình hãy bỏ sang một bên. Đây chính là cách mà mình đã từng đi và đã qua được: khi còn đi học mình không có internet phải lên lầu năm của trường bắt sóng wifi của mấy nhà kế bên, không có tài liệu tiếng việt, cũng không biết rằng mình có thể làm website vận hành ngon lành mà không cần biết lập trình, cũng không biết website sẽ giúp gì cho cuộc đời mình sau này. Đó chính là những thứ các bạn hơn hẳn mình, vậy tại sao các bạn không làm được? Nếu các bạn không thể qua được bước làm website này thì cũng đừng nản vì đơn giản là bạn khác mình và khác nhiều người khác, hãy đọc tiếp bên dưới có thể bạn sẽ thấy con đường riêng của bạn. Bạn sẽ không phải là người lập trình hay làm toàn bộ trang web khi bạn làm Digital Marketing nhưng bạn cần và luôn làm việc với Lập trình viên, thiết kế và các bộ phận khác liên quan đến web để mô tả cho họ về mục tiêu của marketing. Những kiến thức cơ bản về cách website vận hành, những giới hạn của HTML, CSS hay một ngôn ngữ lập trình nào đó sẽ giúp bạn mô tả và "nhờ vả" một cách hiệu quả hơn. 

  2. Bắt đầu với SEO (Search Engine Optimization):

 Sau khi mình làm xong một website cho ông anh nhưng tìm mãi trên Google mà không thấy website của mình đâu, từ đó mình bắt đầu tìm hiểu về SEO.
kien-thuc-seo-co-ban-cho-nguoi-moi-bat-dau

Ban đầu mình tìm kiếm (search) vòng quanh xem tại sao website lại hiển thị khi mình search gì đó trên Google và tại sao một website không xuất hiện khi người dùng tìm kiếm, cách cho Google biết một website đang tồn tại trên internet, rồi mình tìm hiểu tiếp SEO bao gồm những phần lớn nào, trong mỗi phần lớn có những phần nhỏ nào, cách các phần này tương tác với nhau, cách tối ưu các phần này cho SEO như thế nào. Trong quá trình làm mình sẵn sàng thử bất cứ thứ gì mình đọc được không sợ là đúng hay sai, sau đó đọc thêm để từ từ hiểu ra như vậy là đúng hay sai. Lúc đó mọi thứ mình làm và tối ưu đều dùng website mã nguồn mở Joomla và các plugin của nó. Hãy bắt đầu học SEO bằng cách học làm website bằng Wordpress (không khó ), sau đó đọc cuốn sách này: SEO Starter by Google, và có thể tìm cuốn SEOBOOK để đọc hoặc một cuốn nào phù hợp với bạn, đọc sách với SEO là khá quan trọng vì SEO có rất rất nhiều chi tiết nên bạn cần tổng hợp và học theo một định hướng rõ ràng. 

  Một số từ khóa mình hay search trong thời kỳ này:
  1. Website is not showing up on Google search
  2. How to let Google know my website
  3. What is Google
  4. How Google work
  5. What's title, description, keywords
  6. How to submit website to Google
  7. How to choose the right keywords
  8. Những nguồn tham khảo thông tin:
  9. Moz.com
  10. Backlinko.com
  11. Backlinko.com
  12. SEO Book (ebook)
  13. Art of SEO - Đừng đọc cuốn này (không phù hợp để bắt đầu)
3. Bắt đầu với SEM (Search Engine Marketing):

Mình định nghĩa SEM ở đây đơn giản là quảng cáo trên Google (sau này giỏi rồi bạn hãy tìm hiểu thêm để hiểu rộng hơn). Khi bắt đầu học SEM mình may mắn được training từ một công ty, từ đó giúp mình hiểu được những thứ cơ bản và cách vận hành, ngoài ra lúc này mình đã làm SEO được khá lâu nên việc nghiên cứu từ khóa cũng như viết đoạn quảng cáo không có gì khó khăn nữa, chỉ mơ hồ mãi về làm sao để tối ưu quảng cáo và những thứ nâng cao cần học là gì, ngoài ra còn gặp khó khăn về việc không có nhiều tiền để chạy khi mới bắt đầu học. Về bản chất SEM theo định nghĩa đơn giản trên của mình thì chỉ là một phần mềm quản lý quảng cáo do Google tạo ra, và phần mềm thì luôn luôn có những nguyên tắc sử dụng, hướng dẫn sử dụng, điều khoản sử dụng được viết rất đầy đủ chi tiết kèm theo video hướng dẫn chính thức từ Google, nên nếu bạn có tiền để chạy SEM thì:
  1. Hãy tìm hiểu làm sao để chọn từ khóa phù hợp với mục tiêu quảng cáo của bạn.
  2. Hãy tìm hiểu về những giới hạn hướng đối tượng của Google Adwords.
  3. Hãy tìm hiểu điểm chất lượng và định nghĩa click, impression
  4. Hãy chạy càng nhiều Campaign càng tốt (tốn tiền của bạn hoặc của người khác).
  5. Hãy bắt đầu bằng đọc cái này: Google Adwords Help sau đó cố gắng vận dụng mối quan hệ và ngỏ ý muốn chạy thử SEM cho một ai đó với số tiền nhỏ (bid thấp) để hiểu rõ hơn lý thuyết...sau khi chạy ads một thời gian bạn nên thì cái này: Google Adwords Cetificate thị thì miễn phí nhưng nếu bạn vượt qua được cả 3 kỳ thi của Google thì lúc đó bạn sẽ không còn lo về cơm ăn, áo mặc, việc làm...nữa (tại thời điểm này).
Phần SEM này quan trọng nhất là bạn chạy nhiều Campaign và chạy nhiều tiền, từ đó sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm.

  Những từ khóa mình search khi bắt đầu:
  1. Google adwords account structure
  2. Google adwords targeting option
  3. Google adwords ads format
  4. Google adwords limitation
  5. Google adwords quality score
  6. Google adwords best practice/ tips & trick
Những nguồn tham khảo, hỏi:
  1. Google adwords help
  2. Google Adwords community (hỏi đáp rất nhanh được trả lời)
  3. Youtube
4. Bắt đầu với Social Media Marketing

 Trước tiên bạn nên học về cách thực thi trên các kênh Social Media bằng việc sử dụng các kênh này hàng ngày để hiểu được tính năng và giới hạn của nó. Sau khi hiểu được cách các kênh Social Media vận hành ra sao bạn hãy thử làm người khác chú ý hơn đến bạn, dụ dỗ họ tương tác với bạn nhiều hơn, đó cũng thường là mục tiêu của Social Media Marketing: Tương tác với người dùng nhiều hơn. Hãy thử tạo cho mình 1 fanpage (hoặc xin làm cho một ai đó) về lĩnh vực bạn yêu thích rồi tìm mọi cách để tăng like và tương tác cho fanpage đó, bạn sẽ rút ra được nhiều điều và đừng ngại kể về thành công/ thất bại khi bạn làm fanpage này (kể cả phương pháp "black-hat" - biết để tránh).Lưu ý rằng ở Việt Nam rất ít doanh nghiệp dùng Twitter. 

  5. Bắt đầu học Email Marketing

 Do có một thời gian làm một Project về tài khoản và người dùng tại Project Lana, trong Project này mình phải xử lý tất cả vấn đề user gặp phải khi đăng ký, đăng nhập, kích hoạt...nên phải xử lý các vấn đề về gửi mail, cách hệ thống mail vận hành, cách các spam filter hoạt động, cơ chế chặn mail, tần suất gửi và những thông tin trả về sau khi gửi mail có ý nghĩa gì...

  email-marketing 



 Ngoài ra khi làm ở VietnamWorks mình cũng phụ trách toàn bộ về hệ thống Email bên đây nên ngoài những thứ về hệ thống mình bắt đầu đào sâu hơn về cá nhân hóa, về các hệ thống (công cụ) gửi mail, các lưu ý khi chuyển đổi hệ thống mail. Khi làm email các bạn cũng nên tìm hiểu thêm về tâm lý người dùng để "dụ" được người dùng đưa email của họ cho bạn, khi hiểu tâm lý người dùng rồi bạn cũng nên biết 1 chút về web và các giới hạn để việc lấy email người dùng dễ hơn. 

  Các lưu ý:
  1. Không nên mua những dữ liệu email trôi nổi
  2. Email Marketing không chỉ là gửi mail mà còn bao gồm những chương trình hợp tác với đối tác.
  3. Quá trình thực thi Email marketing đòi hỏi hiểu biết về cách website vận hành, cách hệ thống internet vận hành
  4. Công cụ gửi mail không quan trọng bằng cách gửi
  5. Một số từ khoá để bắt đầu:
  6. Email marketing audit
  7. Personalize email marketing
  8. DKIM, SPF, IP
  9. How Email Provider filter email
  10. How ISP filter email
  11. How to increase email sign-up
  12. Một số nguồn:
  • Mailchimp blog
  • http://www.marketingsherpa.com/
6. Bắt Đầu Với Web Analytics

 Web Analytics trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có vai trò khá mờ nhạt nhưng mình tính trong vài năm nữa đây cũng sẽ là một phần được rất nhiều người chú trọng phát triển.

web-analystic

Mình đã bắt đầu với Analytics web từ năm 2009 để xem các chỉ số của SEO, dần dần mình tìm hiểu thêm dùng Web Analytics để đánh dấu các đường link trong một chiến dịch quảng cáo nhằm đo hiệu quả của chiến dịch đó chính xác hơn (mất khoảng 1 năm để hiểu phần đánh dấu link này - URL Tagging), sau đó làm việc nhiều hơn với SEO cũng dẫn đến việc mình làm việc nhiều hơn với Ananlytics và dần dần hiểu rõ hơn các phần nâng cao của nó. Sau đó có một thời gian làm về Web product tại Project Lana đòi hỏi mình cần tìm hiểu nhiều hơn, chi tiết hơn về hành vi người dùng, lúc này mình bắt đầu tìm hiểu thêm về các công cụ analytics real-time và cách dùng event tracking, custom demensions ... Web Ananlytics sẽ tự đến với bạn khi bạn tìm hiểu các công cụ khác của Digital Marketing. Lưu ý: Web Analytics ở Việt Nam chủ yếu dùng Google Analytics và bạn chỉ nên học khi bạn cần biết hiệu quả của một công cụ khác trong chiên dịch Marketing. Với các bạn đang đi làm các bạn hãy tìm hiểu các định nghĩa về Sessions, user, bounce rate, page view... các định nghĩa sẽ giúp bạn không còn mơ hồ khi đọc các report. Một số nguồn tham khảo: Cutroni blog (Một trong các super start về Analytics làm việc cho Google) http://www.kaushik.net/ (Siêu nhân này cũng làm việc cho Google) MOZ.com 

7. Content (nội dung)

  Mời các bạn cùng xem phần chia sẻ của chị Thuỷ Trịnh - Content Manager - Project Lana


content-marketing-pct 

 Các chuyên gia marketing cho rằng "Content is the King", nhưng với mình thì "Content is the Queen" mới là một hình ảnh đủ để những "newbie" hình dung về nó. Vì content xét về khía cạnh nào cũng giống như một "nữ hoàng": Câu chữ cần trau chuốt, chỉnh chu, chính xác nhưng phải thật sự gần gũi thì mới đi vào lòng người với đủ mọi tầng lớp "thần dân" (người đọc) Nội dung phải đủ sức mạnh, phải "power" nhưng lại mềm mại như lời một nữ hoàng mới tác động vào não của người nghe/đọc Một nữ hoàng thì luôn luôn đẹp. Nội dung của bạn cũng cần phải đẹp. Đẹp và thực tế. Đối với những bạn mới bắt đầu làm content marketing, điều đầu tiên là nghiên cứu kỹ lưỡng insight của người đọc, của khách hàng. Phải biết họ muốn nghe gì, đọc gì, thích gì trong ngay cái thời điểm mà bạn làm content thì từ đó bạn mới có thể xác định thông điệp của mình nên chuyển tải theo cách nào. Làm content là làm công việc chuyển tải thông điệp. Chỉ đơn giản vậy thôi. Nếu bạn vừa làm content vừa làm creative thì chúc mừng bạn, bạn chắc chắn sẽ giữ được trái tim của khách hàng. Marketing 3.0 là chinh phục trái tim khách hàng và người duy nhất có thể chinh phục trái tim dù sắt đá nhất sẽ là "nữ hoàng content". Thực tế hơn một chút, bạn hãy cầm viết lên và chuyển tải thông điệp sau đây đến với 3 người bạn thân thiết nhất của bạn: Tôi muốn trở thành một copywiter. Bạn làm thế nào để tất cả những người bạn ấy đều muốn trở thành 1 copywriter như bạn thì bạn đã thành công bước đầu tiên "hành nghề".
Bạn muốn bắt đầu làm việc về Digital Marketing ngay hôm nay?

Tác giả: Trần Duy Linh

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Hướng dẫn cách cài đăt livechat Fanpage trên Website

Trong thời đại kinh doanh online đang phát triển như vũ bão hiện nay các kênh bán hàng online như Fanpage và website là vô cùng quan trọng không chỉ đối với các công ty, shop bán hàng online mà cả các ông lớn cũng không thể xem thường. Bài toán đặt ra lúc này là làm sao để 2 kênh này kết hợp lại được với nhau giúp nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng và gia tăng doanh số một cách tốt hơn luôn là một bài toán khó đặt ra đối với bộ phân Marketing.



Trang bài viết này. Tân xin được chia sẻ với các bạn một phương pháp cải tiến hoàn toàn mới khi sử dụng fanpage làm livechat trên website vô cùng hiệu quả


Sơ qua những đặc điêm nổi bật của phương pháp này 

Khách hàng khi sử dụng tài khoảng Facebook gửi tin và được nhận phản hồi trả lời ngay cả khi vị khách đó đã thoát ra khỏi website của bạn. Bạn sẽ quản lý những tin nhắn đó của khách hàng thông qua hộp thư massage của fanpage mà không cần phải mất công cài đặt ứng dụng riêng. Điều này là vô cùng tuyệt với đối với các shop bán hàng khi muốn thống nhất thành 1 kênh chung để chăm sóc khách hàng.


Hướng dẫn cách cài đặt:

– Bước 1: Truy cập vào mã nguồn code của website. Nếu bạn không am hiểu về kĩ thuật web, hãy nhờ nhân viên đang quản lý website thực hiện công việc này giúp bạn.

– Bước 2: Chèn đoạn code dưới đây vào thẻ <body> của website, thay đoạn link: https://www.facebook.com/EleplazaVietnam/ bằng link fanpage của bạn muốn nhận tin nhắn từ người ghé thăm website:

<div id="fb-root"></div>
<script>(function(d, s, id) {
var js, fjs = d.getElementsByTagName(s)[0];
if (d.getElementById(id)) return;
js = d.createElement(s); js.id = id;
js.src = "//connect.facebook.net/vi_VN/sdk.js#xfbml=1&version=v2.5";
fjs.parentNode.insertBefore(js, fjs);
}(document, 'script', 'facebook-jssdk'));</script>

<div style="position:fixed; z-index:9999999; right:10px; bottom:10px;" class="fb-page" data-tabs="messages" data-href="https://www.facebook.com/EleplazaVietnam/" data-width="250" data-height="300" data-small-header="false" data-adapt-container-width="true" data-hide-cover="false" data-show-facepile="true" data-show-posts="false"></div>

– Bước 3: quay lại trang web để kiểm tra. Bạn phải đăng nhập Facebook trên trình duyệt đó mới hiển thị khung chat này.