• "Passport to Marketing", series video chia sẻ từ những người dẫn đường kinh nghiệm, sẽ là "giấy thông hành" giúp bạn sải bước tự tin vào thế giới Marketing đầy màu sắc, với những hiểu biết nền tảng và định hướng nghề nghiệp rõ ràng về nơi bạn muốn đến.
  • Mở một của hàng đồ ăn vặt cho giới trẻ tưởng chừng đơn giản, nhưng theo kinh nghiệm kinh doanh thành công của một số người đi trước, các bước chuẩn bị phải hết sức cẩn trọng. Để có được lượng khách hàng đông đảo, trước hết phải xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu muốn nhắm tới.
  • Các hướng đi cho người đam mê về Digital Marketing khi mới bắt đầu vào nghề. Bài chia sẻ này rất cụ thể, dễ hiểu và vô cùng bổ ích
  • Tôi có cô bạn sống ở Bỉ. Mùa đông năm ngoái lạnh quá, cô ấy khoe vừa mở được hộp Cao Sao Vàng bôi vào chân tay
  • Rất nhiều thương hiệu trên thế giới đã biết tận dụng tính tương tác và lan truyền của Digital Marketing kết hợp với những ý tưởng truyền thông sáng tạo để cho ra đời những chiến dịch tiếp thị thành công hơn cả mong đợi.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Nescafe - Cafe Việt và bài học về sự thấu hiểu

Nescafe đã giải đáp được câu hỏi: Tại sao người tiêu dùng lại ưa chuộng cà phê pha phin hơn cà phê hòa tan?


Hiện nay, Nescafe cùng với Vinacafe và Trung Nguyên là ba ông lớn chiếm tới hơn 80% thị phần cà phê hòa tan ở Việt Nam (83% vào năm 2014 theo số liệu của Niesel Việt Nam). Thành công hiện nay của Nescafe tại thị trường Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ thương hiệu con Nescafe - Café Việt.

Trở về thời điểm năm 2008, thị trường cà phê lúc bấy giờ được thống trị bởi cà phê pha phin truyền thống với hơn 60% thị phần. Nescafe lúc bấy giờ cũng đã xuất hiện tại Việt Nam và cạnh tranh với các thương hiệu Trung Nguyên, Mac coffee và Vinacafe trong dòng sản phẩm cà phê hòa tan. Vậy lý do gì để Nescafe - Café Việt được ra đời?

Thông thường, để gia tăng lợi nhuận thì một thương hiệu có thể làm ba việc: một là gia tăng lượng khách hàng, hai là gia tăng số lần sử dụng sản phẩm của khách hàng hiện tại, ba là bán sản phẩm với giá cao hơn (dĩ nhiên đi kèm nhiều lợi ích hơn). Và với Café Việt, Nescafe muốn gia tăng thị phần của mình, nhưng không phải gia tăng bằng cách chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà là thị phần từ cà phê truyền thống.

Mục tiêu của Nescafe lúc bấy giờ rất rõ ràng, đó là khiến những người đang sử dụng cà phê truyền thống chuyển sang sử dụng Café Việt. Để đạt được mục tiêu của mình, Nescafe đã nghiên cứu rất kỹ thị trường cà phê Việt Nam và thấu hiểu được tâm tư của người tiêu dùng. Tại sao người tiêu dùng lại ưa chuộng cà phê pha phin hơn cà phê hòa tan?

Cà phê “mạnh” luôn gắn liền với vẻ nam tính của người đàn ông Việt
Lời giải mà Nescafe tìm ra rất cụ thể: Phần lớn số người tiêu thụ cà phê ở Việt Nam là nam giới và họ - đấng mày râu uống cà phê không chỉ bởi sở thích, không chỉ bởi lợi ích lý tính mà cà phê mang lại mà còn vì lợi ích cảm tính. Đàn ông thường có cái tôi và nhu cầu thể hiện mình rất lớn, và một trong những điều mà đàn ông muốn thể hiện nhất chính là vẻ nam tính của mình. Không gì phù hợp hơn một ly cà phê đen với vị đắng đặc trưng trong việc thể hiện vẻ nam tính của bản thân?

Lấy thẳng từ thị phần cà phê phin

Rất tiếc một ly cà phê “mạnh” với vị đắng như vậy chỉ có thể tìm thấy ở cà phê pha phin mà thôi! – Đây có phải là sự thật không? Hẳn là không, nhưng đó là nhận thức của người tiêu dùng Việt vào thời điểm ấy: hoặc cà phê mạnh hoặc cà phê hòa tan, một loại cà phê hòa tan mà lại “mạnh” thì thật không thể tin được!

Và Nescafe – Café Việt ra mắt để làm điều không tưởng ấy.

Là một nhà sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, không khó khăn gì để Nescafe tạo ra một loại cà phê “mạnh” theo đúng khẩu vị người Việt Nam. Rào cản to lớn mà Café Việt cần phải bước qua lúc bấy giờ đó là thuyết phục người tiêu dùng tin vào điều ấy. Xét cho cùng thì đàn ông uống cà phê “mạnh” vì sở thích và hình ảnh nam tính của nó mang lại? Vậy nên bản chất cà phê “mạnh” thôi chưa đủ, Café Việt phải khiến người tiêu dùng thấy được hình ảnh nam tính nơi sản phẩm cà phê hòa tan của mình.

Nói về vấn đề thuyết phục, liệu thuyết phục một người đã uống cà phê phin suốt hàng chục năm trời chuyển sang cà phê hòa tan – dù cà phê thực sự “mạnh” và có hình ảnh nam tính – liệu có thông minh? Dĩ nhiên là không. Chính vì thế đối tượng Nescafe – Café Việt nhắm tới chính là những chàng trai trẻ, những người chưa từng uống cà phê pha phin hoặc mới chỉ gắn bó với nó một thời gian ngắn. Đối tượng này ngoài việc chưa có sự gắn bó mật thiết với cà phê phin thì còn có cái tôi cá nhân thực sự lớn và khả năng tiếp nhận cái mới cao hơn rất nhiều.
“Bạn đã đủ mạnh để thử?” – lời thách thức được truyền tải xuyên suốt chiến dịch
Với định vị “Café mạnh dành cho phái mạnh”, Nescafe đã thực hiện một chiến dịch ra mắt thành công rực rỡ cho sản phẩm mới của mình. Lời thách thức “Bạn đã đủ mạnh để thử?” được truyền tải rộng khắp và nhất quán từ các TVC, print ads... cho đến các hoạt động activation đã khiến hình ảnh Nescafe – Café Việt nổi lên như loại cà phê đầu tiên ở thị trường Việt được thiết kế dành riêng cho phái mạnh.

Những lời thách thức luôn là một thứ không thể từ chối đối với các chàng trai trẻ, đặc biệt khi lời thách thức ấy là về sự nam tính. Thử hỏi chàng trai trẻ nào cưỡng lại được lời thách thức “Bạn có đủ mạnh để thử?” từ dàn PG xinh đẹp của Café Việt? Các hoạt động activation của Café Việt luôn thu hút được lượng lớn người tham gia dù thử thách cũng khó nhằn không kém (Vượt qua chiều dài xe buýt bằng tay, trải nghiệm cảm giác chích điện hay tìm vật thể trong hồ nước nhỏ có chứa 1 loài bò sát bí ẩn).

Nescafe muốn gia tăng thị phần của mình, nhưng không phải gia tăng bằng cách chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà là thị phần từ cà phê truyền thống.

Thấu hiểu người tiêu dùng luôn là một điều kiện tiên quyết để thành công cho bất kỳ thương hiệu nào. Với chiến dịch ra mắt Café Việt – Nescafe, phần thưởng cho họ cũng thật mỹ mãn: Thị phần của cà phê truyền thống đã sụt giảm 12% sau khi Nescafe – Café Việt ra mắt, và đoán xem? Thị phần của Cafe Việt cũng gia tăng một lượng tương ứng – Điều này giúp Café Việt duy trì vị thế là sản phẩm cà phê hòa tan số 1 trong suốt 4 năm sau khi ra mắt. Sau gần 8 năm ra mắt Nescafe – Café Việt vẫn là một trong những sản phẩm cà phê hòa tan được tiêu dùng nhiều nhất tại Việt Nam.

Tạm gác lại quá khứ & quay về thực tại, Nescafe mới đây cho ra mắt dòng sản phẩm cà phê sữa đá cho thương hiệu con Café Việt – và với hoạt động quảng bá của Nescafe xung quanh sản phẩm này, chúng ta lại rút ra được bài học khác về sự thấu hiểu, một bài học “ít hào nhoáng” hơn quá khứ rất nhiều.

Khi sự thấu hiểu chưa vẹn toàn

Với Café Việt – cà phê sữa đá, Nescafe muốn những khách hàng trung thành của mình có thêm sự lựa chọn cũng như thu hút thêm những khách hàng mới nhằm gia tăng lợi nhuận. Vấn đề Nescafe cần vượt qua trong lần tung sản phẩm này - một lần nữa – chính là vấn đề nhận thức.

Cà phê sữa đá thường được xem là cà phê “không mạnh” – điều này trái ngược với hình ảnh của Café Việt và cũng là một rào cản khiến những khách hàng trung thành ngần ngại trải nghiệm sản phẩm mới. Vậy thông điệp Nescafe muốn truyền tải trong hoạt động quảng bá của mình rất cụ thể: Café Việt – cà phê sữa đá “mạnh đến bất ngờ”, thông điệp đơn này được truyền tải một cách sáng tạo qua một series các video tương tác được đăng tải trên youtube.



Nhưng dù là video tương tác thì đó vẫn là quảng cáo, vậy quảng cáo này có hiệu quả không? Hãy thử xét trên nguyên tắc ABC (Attention – Branding – Change).

Attention (sự chú ý)


“Nobody read ads. People read what interests them. Sometimes it’s an ad” (Không ai xem quảng cáo. Người ta xem cái họ muốn xem. Đôi khi đó là quảng cáo) – Howard Gossage đã từng nói như vậy. Một mẫu quảng cáo có thể thu hút được sự chú ý của người xem cần phải khác biệt & liên quan.

Xét trên phương diện này thì tôi cho rằng mẫu quảng cáo của Café Việt – cà phê sữa đá không có đủ sự thu hút. Với việc lựa chọn quảng cáo tương tác, rõ ràng Nescafe có sự khác biệt trong việc truyền tải thông điệp (trong trường hợp người xem đủ kiên nhẫn để tương tác).

Tuy nhiên việc lựa chọn diễn viên cùng với nội dung, cách thể hiện… dường như không có sự liên quan với đối tượng khách hàng mà họ nhắm tới – chính điều này lý giải tại sao mẫu quảng cáo này lại có lượt dislikes gấp đôi số lượng likes, cùng vô số phản hồi không tốt.

Branding (thương hiệu)

Thấu hiểu người tiêu dùng lúc nào cũng là bài toán khó mà bất kỳ thương hiệu nào cũng phải giải mã. Nhưng việc gì khó thì thành quả lúc nào cũng to lớn cả.
Về mặt thương hiệu, tôi cho rằng những người không tắt đoạn quảng cáo này sau 4-6s (thời gian youtube cho phép bỏ qua quảng cáo) thì đều nhận biết được thương hiệu đang nói đến. Tuy nhiên biết là một chuyện, nhớ là một chuyện khác.

Nếu trước đây các TVC của Nescafe – Café Việt đều mang một vẻ phong trần, nam tính riêng biệt thì đoạn quảng cáo tương tác này lại mang một vẻ … “vô duyên” lạ. Chính sự không nhất quán này làm giảm hiệu quả của sự nhận biết thương hiệu, tệ hại hơn đó là khách hàng nhớ đến thương hiệu nhưng lại không nhớ theo cách Nescafe mong muốn – họ nhớ đến giọng cười “ha hả” và hình ảnh “khác lạ” của nam diễn viên, từ đó mang ấn tượng xấu về thương hiệu.

Changing (sự thay đổi)


Với Attention và Branding đã không tốt, dĩ nhiên việc người tiêu dùng thay đổi hành vi của mình cũng là điều ít được mong đợi – đặc biệt hơn nữa khi nội dung trong mẫu quảng cáo không có được sự hấp dẫn cũng như sự tập trung cần thiết.

Nhìn chung, tôi cho rằng mẫu quảng cáo tương tác của Café Việt tuy có sự phá cách nhưng lại không thực sự thành công vì thiếu sự thấu hiểu – điều cực kỳ quan trọng. Giá như nội dung & cách thể hiện được trau chuốt và phù hợp hơn nữa thì tôi tin rằng đây sẽ là một quảng cáo cực ấn tượng, chí ít là ở thị trường Việt Nam.

Thấu hiểu người tiêu dùng lúc nào cũng là bài toán khó mà bất kỳ thương hiệu nào cũng phải giải mã. Nhưng việc gì khó thì thành quả lúc nào cũng to lớn cả.

Chu Minh Thông
Theo Trí Thức Trẻ / Cafebiz
                                                                                                                                             

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

Facebook Retargeting từ A đến Z

Nếu bạn có Website riêng, nếu bạn chưa gắn mã Facebook Retargeting, thì có lẽ đó là một thiếu xót cực kỳ lớn. Bạn đã bỏ qua rất nhiều người dùng mục tiêu của mình.

Facebook Retargeting là gì?

Retargeting Facebook như một cái phễu, giúp bạn tạo ra những tệp người dùng mục tiêu để tăng hiệu quả chạy quảng cáo trên Facebook, thông qua chính những lượt truy cập vào website của bạn.

“Giờ hãy tưởng tượng website của bạn là một cái ao cá, người truy cập vào website của bạn là những con cá. Và đoạn mã Facebook Retargeting chính là cái lưới bắt cá của bạn.”



Vậy, làm thế nào để Facebook Retargeting hoạt động?

Đây là cách mà Facebook Retargeting hoạt động

Đây là cách mà Facebook Retargeting hoạt động

1. Cài đặt mã Pixel

Mã Pixel là một đoạn javascript nhỏ được Facebook cung cấp để bạn có thể đưa chúng vào web của mình. Việc cài đặt mã là bước đầu trong quá trình thực hiện Facebook Retargeting.

Để thực hiện theo những hướng dẫn dưới đây bạn phải có quyền truy cập vào mã nguồn trang web của bạn và hiểu được mã nguồn của trang web này. Hãy nhớ là đặt mã pixel ở phần Header. Nếu bạn không có quyền truy cập hoặc không hiểu gì về mã nguồn này, hãy liên hệ với người có quyền truy cập mã nguồn website của bạn.

Bước 1: Xem mã Pixel của bạn

Trên Ads Manager
Hãy hành động ngay thôi, Facebook Retargeting là một phần nhỏ trong mục Đối tượng…
Truy cập: http://www.facebook.com/ads/manage/audiences.php

Hãy chọn Tạo đối tượng và chọn Lưu lượng truy cập trang web.




Nhập tên và mô tả về Audiences, càng cụ thể, càng khoa học thì làm việc càng dễ dàng.



Click vào Xem mã pixel để lấy mã Code và gắn Header trên website của bạn.



Trên Power Editor


  • Truy cập Power Editor tại địa chỉ www.facebook.com/ads/manage/powereditor.
  • Ở thanh điều hướng của Ngăn bên trái, chọn Đối tượng.
  • Click vào tùy chọn Tạo đối tượng và chọn Tạo đối tượng tùy chỉnh.
  • Click Lưu lượng truy cập trang web.
  • Ở hình bánh răng cưa (cấu hình) Chọn Xem mã Pixel.
Bước 2: Copy mã Pixel vào website của bạn


Đoạn mã Pixel của bạn sẽ tương tự như dưới đây:

Pixel ID là duy nhất dành cho mỗi tài khoản, và nó không phải là User ID. Và bạn hãy lưu ý, đoạn mã Pixel chỉ cần gắn một lần duy nhất trên website của bạn, và bạn có thể tùy chỉnh cũng như cấu hình lưu lượng truy cập người dùng thoải mái.

2. Cấu hình lưu lượng truy cập của người dùng

Bước 1: Tên và mô tả về Đối tượng

Ví dụ:
Việc nhập mô tả cho từng nhóm đối tượng sẽ giúp bạn dễ quản lý các nhóm đối tượng hơn.




Việc nhập mô tả cho từng nhóm đối tượng sẽ giúp bạn dễ quản lý các nhóm đối tượng hơn.

Bước 2: Cấu hình nội dung truy cập từ người dùng

Sau khi gắn mã code xong, bạn sẽ có 5 tùy chọn mặc định về việc tận dụng lưu lượng truy cập của bạn như thế nào.



a. Bất kỳ ai truy cập trang web của bạn

Ví dụ: Tôi muốn quảng cáo đến tất cả những người có truy cập vào website cá nhân của mình, tôi chỉ việc copy đoạn code và dán vào bất cứ website nào mà tôi thích.



Tuy nhiên đây mới là cách làm cơ bản nhất…

b. Những người truy cập các trang web cụ thể

Ví dụ: Tôi muốn quảng cáo đến tất cả những người đã truy cập vào bài viết “Làm content như thế nào cho hiệu quả” của mình.
Bất cứ người nào có đăng nhập Facebook và có truy cập vào đường link này “http://trungduc.net/huong-dan-viet-content” đều bị hệ thống lưu lại thông tin.

c. Những người truy cập các trang web cụ thể chứ không phải người khác

Tính năng này tương tự như tính năng Người truy cập vào các trang web cụ thể, tuy nhiên bạn có thể loại trừ những người truy cập vào các trang web cụ thể khác nữa.



Ví dụ: Tôi muốn lưu giữ thông tin của tất cả những người đã tham gia vào các bài viết chuyên ngành của mình, tuy nhiên tôi không thích việc một người nào đó họ chỉ tình cờ truy cập vào, như thế đối tượng của tôi không chất lượng. Website của tôi có 2 phần là chuyên ngành và mục cá nhân, tôi sẽ loại tất cả những người đã truy cập vào mục cá nhân.

d. Những người không truy cập trong một khoảng thời gian nhất định

Bao gồm những người đã truy cập trang web của bạn trong 180 ngày vừa qua nhưng chưa quay trở lại. Đó là những người đã truy cập vào website của bạn một lần và chưa hề quay lại một lần nào nữa, trong một khoảng thời gian mà bạn kiểm soát, tối đa 180 ngày.

Nhóm đối tượng này thì quảng cáo có tác dụng gì? Hoặc là nhắc họ nhớ đến sản phẩm của mình, hoặc là vì họ vào một lần rồi và không vào lại nữa, nên tôi bỏ qua.

e. Kết hợp tùy chỉnh

Với tùy chọn này, tôi có thể làm được khá nhiều điều cùng một lúc:



Tôi tạo một nhóm Đối tượng với:


  • Những người có truy cập vào đường dẫn “http://trungduc.net/huong-dan-viet-content” hoặc “net/digital-dashboards”.
  • Và phải có truy cập vào đường dẫn “net/digital-dashboards” nữa.
  • Điều kiện cuối cùng là họ không được truy cập vào đường dẫn “http://trungduc.net/category/triet-hoc-duong-pho”.

Các quy tắc này dựa trên cấu trúc URL phổ biến. Bạn có thể định hình những mẫu URL thông qua bốn điều kiện: có chứa bất kỳ, không chứa, bằng, hoặc là không bằng.

Ví dụ: Tôi có 2 trang web, một trang với domain chính là trungduc.net và một trang với tên miền phụ là fb.trungduc.net:

Để lấy tất cả đối tượng truy cập vào cả 2 trang này, tôi chọn “Bất kỳ ai truy cập trang web của bạn”.Tôi chỉ muốn lấy những đối tượng truy cập vào trang chủ trungduc.net, không chấp nhận những trang con, tôi chọn:

URL > Bằng (Equals) > http://trungduc.net
Khi bạn đang sử dụng Equals, hãy chắc chắn là bạn đã nhập cả các giao thức kết nối, http:// hay https://

Tôi chỉ muốn lấy những đối tượng có truy cập vào fb.trungduc.net của mình, không bao gồm trungduc.net, tôi chọn:

URL > Có (Contains) > fb.trungduc.net
Tôi muốn lấy những người truy cập vào fb.trungduc.net và các trang con, tuy nhiên tôi sẽ loại trừ những người đã truy cập vào trang đăng ký. Vì họ đã quyết định mua hàng rồi, tôi không cần quảng cáo đến họ nữa:

Bao gồm (Include) > URL > Có (Contains) > fb.trungduc.net

Loại trừ (Exclude) > URL > Có (Contains) > http://fb.trungduc.net/dang-ky.html
Để thêm điều kiện bổ sung nhấp vào nút “Thêm điều kiện mới (Add New Condition)”

Bước 3: Thời gian lưu giữ đối tượng

Việc lưu giữ thông tin người dùng trong 30 ngày là mặc định, tuy nhiên bạn có thể thay đổi số ngày lưu giữ để phù hợp với ngành của bạn hơn.


Ví dụ với 30 ngày lưu giữ, nếu sang ngày thứ 31, thì dữ liệu ngày thứ 1 sẽ bị xóa đi, ngày 32 thì dữ liệu ngày thứ 2 bị xóa đi.

3. Quảng cáo đến nhóm đối tượng từ Website

Sau khi hoàn thành cài đặt, nhóm đối tượng (Audiences) của bạn sẽ được hoàn thiện từng ngày, càng nhiều truy cập bạn càng có nhiều thông tin người dùng (khách hàng) mục tiêu, phục vụ cho mục đích quảng cáo hay bất cứ mục đích nào bạn có thể nghĩ ra.




  1. Trên Ads Manager
  2. Truy cập vào phần tạo quảng cáo: www.facebook.com/ads/create
  3. Chọn mục tiêu tạo quảng cáo và chuyển sang phần cấu hình tùy chỉnh.
  4. Ở phần Đối tượng tùy chỉnh (Custom Audience), nhập tên nhóm đối tượng của bạn.
  5. Sau đó cấu hình quảng cáo phù hợp với nhóm đối tượng đó theo sở thích, hành vi, nội dung…



  1. Trên Power Editor
  2. Truy cập vào facebook.com/ads/manage/powereditor/
  3. Click vào Tạo quảng cáo
  4. Click sang mục Đối tượng (Audiences)
  5. Ở phần Người xem tùy chỉnh (Custom Audiences) nhập tên nhóm đối tượng của bạn.


Vậy là bây giờ những người dùng của bạn không thoát được bạn nữa rồi. Thật tuyệt!

Trung Đức
CEO MediaZ

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

4 nền tảng cho một chiến dịch Digital Marketing thành công

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các doanh nghiệp mới thành lập, nguồn vốn hạn chế là một trong những bất lợi lớn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này thường không muốn chi nhiều tiền cho ngân sách Marketing. Thay vào đó họ sẽ dành tiền cho các hoạt động mà họ nghĩ là quan trọng hơn. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cần phải nhận thức được rằng, hoạt động Marketing có vai trò sống còn đối với thành công và hoạt động lâu dài của doanh nghiệp, bởi đây chính là quá trình tạo ra khách hàng mới, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng.

Digital Marketing – kênh truyền thông được xem là phù hợp với mọi nguồn ngân sách đang trở  thành một xu hướng tiếp thị đáng quan tâm của các chủ doanh nghiệp. Digital Marketing có khả năng hỗ trợ cho công việc kinh doanh, đồng thời tiết kiệm cho doanh nghiệp một khoản ngân sách đáng kể. Có nhiều công ty/tổ chức sau khi áp dụng kế hoạch Marketing theo định hướng Digital đã mở rộng việc kinh doanh với doanh thu tăng gấp 2.8 – 3.3 lần so với bình thường.

Nếu bạn muốn đạt được kết quả tương tự thì điều mà bạn cần bắt tay vào làm ngay là thực hiện một chiến lược Digital Marketing. Cũng giống như bất kỳ một hoạt động nào khác, bạn cần phải nắm vững những yếu tố cần thiết để tạo nên một chiến dịch hiệu quả. Bài viết sau sẽ trình bày về 4 hoạt động quan trọng nhất – được xem là “tứ trụ” – của một chiến dịch Digital Marketing. Cụ thể, các hoạt động đó bao gồm:

Nghiên cứu Thị Trường;
Xây dựng chiến lược Marketing;
Thực hiện;
Phân tích và tối ưu hóa hoạt động Marketing.

1. Nghiên cứu thị trường


Ngày nay, người tiêu dùng có thể mua hàng bằng vô số hình thức mà họ muốn. Hơn 80% đồng ý rằng hầu hết các kênh Digital mà họ đang sử dụng đều có thể phục vụ cho việc mua hàng. Ưu điểm của Digital Marketing là có thể gom những người trong cùng một phân khúc lại với nhau. Để xác định cụ thể phân khúc của bạn trên kênh online, hoạt động Nghiên cứu thị trường (NCTT) là vô cùng quan trọng.

Nghiên cứu thị trường là nền tảng đầu tiên để xây dựng một chiến dịch Digital Marketing thành công

1.1 Tại sao NCTT lại quan trọng?


NCTT giúp bạn thấu hiểu khách hàng tốt hơn.
NCTT giúp bạn xác định cụ thể đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp.
NCTT giúp bạn thiết kế một chiến lược Marketing phù hợp.
NCTT giúp bạn lập một kế hoạch Marketing ít rủi ro hơn.
NCTT giúp bạn tối ưu hóa các công cụ Digital Marketing dựa trên nguồn ngân sách mà bạn có.

1.2 Làm thế nào để thực hiện NCTT?


Xác định rõ sản phẩm/dịch vụ cốt lõi mà doanh nghiệp muốn cung cấp cho thị trường.
Xác định rõ USP của sản phẩm/dịch vụ.
Xác định rõ đối tượng mục tiêu của sản phẩm/dịch vụ đang hướng tới (nhân khẩu học, giới tính, độ tuổi, sở thích, …)
Xác định rõ mục tiêu của chiến dịch Digital Marketing (có thể là: dẫn đầu thị trường, tăng lượng Follower trên các kênh Social Media, đẩy mạnh độ nhận diện thương hiệu, thúc đẩy doanh số, …)
Xác định rõ đối tượng mục tiêu và kiểm tra lại các hoạt động họ vừa thực hiện trên các kênh Social Media hoặc các kênh Digital khác.

2. Xây dựng chiến lược Marketing


Đẩy mạnh truyền thông bằng cách tích hợp các công cụ Digital Marketing là một phương pháp được nhiều marketer áp dụng. Theo đó, các nhãn hàng thường có xu hướng tiến hành trên nhiều phương tiện khác nhau như Display Ads, Mobile, Social hoặc Viral Video. Tuy nhiên, để chiến dịch được triển khai một cách hiệu quả nhất, trước tiên, bạn cần xây dựng một chiến lược Marketing chặt chẽ.


Có một chiến lược Marketing hoàn hảo sẽ giúp doanh nghiệp tối đa hóa sức mạnh của các công cụ thực thi Marketing.

2.1 Tại sao chiến lược Marketing quan trọng?


Chiến lược Marketing cho bạn thấy được một lộ trình tổng quát nhất về Marketing.
Chiến lược Marketing giúp bạn tiếp cận mục tiêu kinh doanh một cách rõ ràng hơn.
Chiến lược Marketing giúp bạn tiếp cận đối tượng mục tiêu hiệu quả hơn.
Chiến lược Marketing cũng giúp bạn sử dụng nguồn ngân sách của mình một cách “khôn ngoan” nhất có thể.
Có một chiến lược Marketing tốt sẽ giúp bạn thúc đẩy hoạt động Marketing và tạo ra lợi nhuận cho công ty.

2.2 Làm thế nào để xây dựng một chiến lược Marketing?


Thiết lập mục tiêu (ngắn hạn và dài hạn)
Lựa chọn cách tiếp cận: Marketing trực tiếp hay Marketing gián tiếp
Lựa chọn kênh Digital Marketing và chiến thuật
Thiết kế các chương trình chiêu thị hấp dẫn
Vạch ra cách thực hiện từng bước để triển khai trên từng kênh

2.3 Các chiến lược và kênh Digital Marketing nào được sử dụng nhiều nhất?


2.3.1 SEO (Search Engine Optimization)


SEO là quá trình làm cho webstie của bạn có thứ hạng cao trong trật tự xếp hạng của các cỗ máy tìm kiếm. Phương thức này thật sự quan trọng trong chiến dịch Digital Marketing của bạn bởi đã có hơn 93% các doanh nghiệp đã và đang sử dụng Search Engine Optimization – Tối ưu hoá đối với các cỗ máy tìm kiếm. Quan trọng hơn, hơn 59% khách hàng đang sử dụng Search Engine để tự đáp ứng nhu cầu mua hàng mỗi tháng.

Kênh này nên được đầu tư nhiều đối với những doanh nghiệp có mục tiêu dài hạn là được xuất hiện trong trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm trên Google.

2.3.2 Social Media Marketing (tự nhiên hoặc trả tiền)


Social Media Marketing là quá trình sử dụng các mạng xã hội nhằm tăng độ phủ của thương hiệu, điều hướng nội dung và tối đa hóa việc kết nối các đối tượng mục tiêu của thương hiệu. Số lượng người sử dụng Social Media đã tăng thêm 25% vào năm 2015, đó là lý do vì sao tại một số doanh nghiệp, ngân sách dành cho Digital Marketing đã được đầu tư tăng lên gấp rưỡi.

Kênh này dành cho những doanh nghiệp muốn tăng mức độ nhận diện thương hiệu, tiếp cận được với nhiều người, điều hướng thị trường, chuẩn bị tổ chức các cuộc thi hoặc chương trình chiêu thị.

2.3.3 Pay Per Click Marketing (PPC)


Pay Per Click Marketing là quá trình sử dụng các mẫu quảng cáo trả tiền như Google Adwords nhằm tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng đang có nhu cầu sử dụng hoặc tìm kiếm thêm thông tin về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Ưu điểm của PPC là có thể thu được một lượng traffic cao trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Phương pháp này được dành cho những doanh nghiệp muốn tăng lượng traffic một cách nhanh chóng, dẫn đầu thị trường, thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.

2.3.4 Facebook Marketing


Facebook Marketing là quá trình sử dụng và tối đa hóa các nền tảng quảng cáo trên Facebook để thúc đẩy mức độ nhận diện thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng online. Bạn hầu như có thể tiếp cận với hầu hết các phân khúc khách hàng nói chung bằng  cách nghiên cứu xem những Group và Page nào mà đối tượng mục tiêu của bạn thường xuyên lui tới.

Công cụ này sẽ phù hợp cho những doanh nghiệp muốn sử dụng Facebook để tiếp cận thị trường. Khả năng gia tăng lượt traffic bằng công cụ này là rất tiềm năng.


3. Thực hiện


Quảng cáo truyền thống đang mất dần chỗ đứng. Bằng chứng là ngân sách dành cho hình thức quảng cáo này đang được rót dần sang các quảng cáo online thay vì quảng cáo trên truyền hình như trước đây. Dự báo xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục ở nhiều doanh nghiệp. Theo thống kê, có 72% người dùng muốn tiếp cận với thương hiệu thông qua các kênh truyền thông Digital mang tính tích hợp, vì vậy, đây chính là lúc để bạn triển khai hoạt động thứ 3 của quá trình thực hiện một chiến dịch Digital Marketing – Quá trình thực hiện.


Sử dụng linh hoạt các công cụ Marketing và bám sát chiến lược Marketing đã đề ra để tối ưu hóa hoạt động truyền thông

3.1 Ba điều lưu ý khi thực hiện chiến dịch Marketing


Xác định rõ cách làm (từng bước) và những nguyên tắc khi thực hiện Marketing
Bám sát kế hoạch và chiến lược đã đề ra
Triển khai các hoạt động một cách nhất quán

3.2 Nghiên cứu từ khóa


Nghiên cứu từ khóa là một quá trình khám phá và tạo ra những từ khóa phù hợp, mang tính ứng dụng cao. Với Semantic Search, nó sẽ giúp bạn chuyển đổi những từ khóa phổ thông thành những từ khóa có đuôi dài hơn và phù hợp ngữ nghĩa.

Vậy, làm thế nào để nghiên cứu từ khóa?

3.2.1 Top các công cụ nghiên cứu từ khóa thường được sử dụng

  • Google Adwords Keyword Planner
  • Ubersuggest
  • Bing Keywords Research Tool

3.2.2 Công thức để xác định một từ khóa phù hợp


Xuất phát từ từ khóa gốc (ngắn)
Ví dụ: Từ khóa gốc của công ty bạn là: “Digital Marketing”

Ta lấy từ khóa gốc + “công ty” => “Công ty Digital Marketing”

Hoặc từ khóa gốc + “dịch vụ” => “Dịch vụ Digital Marketing”

Công thức cho những từ khóa có đuôi vừa hoặc dài
Từ khóa gốc có lượng truy xuất cao, thường bao gồm 1 – 2 từ (Ví dụ: Du học, Digital Marketing, …)

Từ khóa có đuôi vừa có lượng truy xuất trung bình, thường bao gồm 2 – 3 từ (Ví dụ: Du học Đức, Digital Marketing Agency, …)

Từ khóa có đuôi dài có lượng truy xuất thấp, thường bao gồm 3 – 5 từ (Ví dụ: thủ tục du học Mỹ, Digital Marketing Agency tuyển dụng, …)

3.3 Xây dựng content đột phá


Content có tính đột phá là điều rất quan trọng và được xem là cốt lõi trong mỗi chiến dịch Digital Marketing. Đó chính là lý do vì sao 73% những người làm Marketing cho các công ty B2B đều có những chiến lược phát triển nội dung riêng cho mình. Content là công cụ hỗ trợ đắc lực cho thành công của một chiến dịch Digital Marketing, vì vậy, bạn nên đầu tư một nguồn lực đáng kể vào việc xây dựng những nội dung hấp dẫn.

Ý tưởng cho content:

Content phải hữu dụng và có liên quan đến đối tượng mục tiêu
Những ý tưởng và những thủ thuật cần phải được sử dụng đúng bối cảnh
Chỉ sử dụng những thông tin đáng tin cậy
Content cần được diễn đạt một cách dễ hiểu
Content cần được thiết kế, trình bày phù hợp với đối tượng mục tiêu

Các loại content thường gặp:

Infographic
Bài đăng trên Blog dưới dạng hướng dẫn thực hiện một việc gì đó
Whitepaper hoặc pdf
Video hoặc Animation
Meme hoặc hình ảnh hài hước
Podcast

3.4 Phát triển các liên kết


Phát triển các liên kết vẫn đang là một xu hướng SEO trong năm 2015, mặc dù Search Engine đã có sự thay đổi trong việc diễn dịch các backlink. Có bao nhiêu backlink đi chăng nữa không còn quan trọng, mà quan trọng là backlink đó được đến từ những nguồn nào.

Làm thế nào để tạo backlink:

Backlink phải được đính kèm trong nội dung và có liên quan đến nội dung.
Backlink không nên được tạo ra do SPAM hay được tạo ra từ những nguồn không chất lượng.
Backlink phải được tạo ra từ những website có liên quan đến lĩnh vực của công ty đang hoạt động.

Những cách tạo backllink thường gặp:
Content tương thích với nội dung của site (slideshare, infographics, memes, …)
Bài đăng của chuyên gia
Đăng bài trên các trang web 2.0
Sử dụng các trang quảng cáo rao vặt
Liên kết outreach

3.5 Social Media Marketing


92% người làm Digital Marketing tin rằng khoảng cách giữa khách hàng và doanh nghiệp sẽ được thu hẹp nếu thông tin được tiếp xúc thông qua các phương tiện Social Media. Cứ mỗi 6 phút online thì lại có 1 phút người dùng sử dụng mạng xã hội, vì vậy, chỉ cần tưởng tượng thôi cũng đủ thấy khả năng tiếp cận khách hàng qua kênh Social Media lớn đến mức nào.

Một chiến dịch Social Media Marketing thành công cần đảm bảo các yếu tố:

Tối ưu hóa (Optimization):
Tối ưu hóa profile của doanh nghiệp thông qua càng nhiều kênh Social Media càng tốt.
Thiết lập cover photo đẹp mắt, lôi cuốn.
Nuôi dưỡng (Cultivation):
Chia sẻ các bài viết và các hình ảnh có nội dung hấp dẫn, mang tính thách thức về mặt tư duy.
Nhất quán về mặt nội dung là cách tốt nhất để giữ fan trên các kênh Social.
Tham gia, chia sẻ những bài viết hay từ các Page có nội dung tương tự.
Trả lời các comment trong vòng 24 tiếng đối với Facebook và 2 tiếng đối với Twitter.

Paid Social Media Marketing:
Paid Marketing là cách nhanh và hiệu quả nhất để tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng.
Sử dụng Paid Marketing đối với kênh Facebook là cách hiệu quả để tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
3.6 PPC Marketing

Theo một cuộc khảo sát trên diện rộng đối với những người làm SEO, có 88% số người được hỏi trả lời rằng Pay-Per-Click (PPC) Marketing là một trong những công cụ Digital Marketing hiệu quả nhất hiện nay. 64,6% lượt click được tạo ra từ PPC, và theo các chuyên gia nhận định, mức độ hiệu quả của công cụ này còn hơn hẳn cả SEO.

Làm thế nào để làm PPC Marketing?

Từ khóa:

  • Từ khóa cần phải liên quan trực tiếp đến sản phẩm/dịch vụ cụ thể nào đó.
  • Từ khóa sử dụng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
  • Đối với mỗi sản phẩm/dịch vụ khác nhau, nên sử dụng những từ khóa riêng biệt, tránh trùng lặp.
Thông điệp quảng cáo:


  • Bao hàm thành phần và chức năng của sản phẩm/dịch vụ
  • Từ khóa phải được đặt đúng vị trí
  • Có “Call to Action”

Xây dựng Landing Page:

  • Headline thu hút
  • Đi thẳng vào vấn đề
  • Có “Call to Action”

USP:

  • Quyền lợi hấp dẫn dành cho khách hàng
  • Chương trình khuyến mãi chưa từng có
  • Sản phẩm/dịch vụ độc quyền

3.7 Facebook Marketing


Sự xuất hiện ngày càng nhiều của mạng xã hội đã tạo ra một bước ngoặc mới cho hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Sở hữu hơn 1.28 tỷ người dùng mỗi tháng, trong đó có hơn 1.01 tỷ người online bằng điện thoại di động – Facebook được xem là một miền đất hứa đối với lĩnh vực Digital Marketing. Đó chính là lý do vì sao 30 triệu doanh nghiệp đã và đang xây dựng Fanpage để bổ trợ cho hoạt động Marketing.

Làm thế nào thực hiện Facebook Marketing?

Xác định mục tiêu:

  • Chọn 1 – 2 mục tiêu cho kênh Facebook dựa trên mục tiêu Marketing đã đề ra.
  • Mục tiêu lựa chọn cho kênh Facebook phải được cân nhắc và khảo sát kỹ lưỡng.

Xác định thông điệp truyền thông:

  • Thông điệp truyền thông phải thể hiện được chức năng hoặc thành phần của sản phẩm/dịch vụ.
  • Phải có “Call to Action”

Xây dựng Lading Page:

  • Headline thu hút
  • Đi thẳng vào vấn đề
  • Có “Call to Action”

USP:

  • Quyền lợi hấp dẫn dành cho khách hàng
  • Chương trình khuyến mãi chưa từng có

Đối tượng mục tiêu:

  • Nơi sinh sống, làm việc
  • Độ tuổi
  • Vấn đề quan tâm

Loại hình mục tiêu muốn đạt được khi chạy quảng cáo trên Facebook:

  • Số lượng Click đến webstite
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi trên website (Website Conversion)
  • Tăng lượt tương tác (engagement) với bài đăng
  • Tăng “Like” page
  • Tăng lượt cài đặt ứng dụng (app)
  • Tăng lượt tương tác (engagement) với ứng dụng (app)
  • Tăng số lượng người tham dự sự kiện
  • Thu hút mọi người nhận ưu đãi (Offer Claim)
  • Thu hút lượt xem video

Nghiên cứu kỹ phân khúc đối tượng mục tiêu:

  • Họ nằm trong giới hạn tuổi nào
  • Giới tính của họ
  • Ngôn ngữ họ sử dụng
  • Vấn đề họ quan tâm
  • Hành vi của họ trên Facebook
  • “Facebook Insight” là một công cụ chuyên cung cấp những thông tin về người dùng trên Social Media. Công cụ này giúp xác định được “like” của bạn đến từ đâu hay thậm chí, nó có thể nhận biết được “fan” của bạn đa số nằm trong độ tuổi nào. Điều này sẽ giúp cho bạn phát triển chiến dịch Facebook Marketing hiệu quả hơn.


4. Phân tích và tối ưu hoá các hoạt động Marketing


Trong khi có nhiều chiến dịch Digital Marketing đạt được những thành công nhất định thì cũng có những thất bại không được nhắc tới. Đôi khi, nguyên nhân của việc thất bại không phải đến từ bản thân chiến dịch thiếu tính sáng tạo hay do đội ngũ thiếu khả năng, mà là do quá trình phân tích và tối ưu hóa hoạt động chiến dịch.


Đừng bao giờ quên việc phân tích và tối ưu hóa các hoạt động của chiến dịch

4.1 Tại sao phân tích và tối ưu hóa hoạt động Marketing lại quan trọng đến vậy?


54% Marketers đã không thành công trong chiến dịch của mình vì không đầu tư đúng mức vào hoạt động phân tích và tối ưu hóa cho chiến dịch. Thông qua việc phân tích, kiểm tra và tối ưu hóa, doanh nghiệp có thể nhận được những giá trị sau:

  • Xác định được việc gì nên làm và việc gì không nên làm
  • Xác định được kênh nào sẽ cho nhiều lượt tương tác và chuyển đổi nhất
  • Nghiên cứu kỹ hơn về nhân khẩu học và hành vi của người dùng
  • Xác định được từ khóa nào mang lại nhiều lượt tương tác nhất (nhằm sử dụng cho hoạt động quảng cáo trả tiền về sau)

4.2 Ba lưu ý quan trọng nhất của việc phân tích và tối ưu hóa hoạt động Marketing

  • Sử dụng phân tích Web
  • Phân tích cơ sở dữ liệu
  • Tối ưu hóa các hoạt động và bổ sung kế hoạch dựa trên những dữ liệu sẵn có

4.3 Các công cụ hỗ trợ phân tích

  • Google Analytics: Đây là một ứng dụng miễn phí được cung cấp bởi Google, nó cho phép bạn tiếp cận đến những nguồn thông tin có giá trị như lượt tương tác hay các thông tin quan trọng khác về website của bạn.
  • Clicky: Đây cũng là một trang web hỗ trợ việc giám sát, phân tích, đồng thời phản ánh lượt tương tác trên Blog và Website trong khoảng thời gian người dùng ở trên website/Blog.
  • Statcounter: Đây là một công cụ miễn phí giúp giúp phân tích lượt tương tác trên website để giám sát các hoạt động của người dùng trong khoảng thời gian người dùng hoạt động trên website.
  • HubSpot: Đây là một nền tảng tốt cho việc tiến hành phân tích. Đây được xem là một công cụ lý tưởng dành cho các doanh nghiệp nhỏ để đo lường lượt tương tác và inbound marketing.
  • Adobe Marketing Cloude: Nền tảng tích hợp này có thể cung cấp cho bạn thời gian thực tế mà người dùng lưu lại trên website và những phân tích dự đoán liên quan đến hiệu suất website.
  • GoSquared: Đây là nền tảng cho việc giám sát thời gian người dùng lưu lại trên website. Công cụ này sẽ giúp bạn theo dõi doanh thu và ROI của một trang thương mại điện tử eCommerce.
  • Moz Analytics: Moz là một nền tảng phân tích toàn diện, được tích hợp giữa: Tìm kiếm, Social, Social Listening và phân tích Inbound Marketing.
  • Webtrends: Công cụ này giúp bạn có thể đo lường hoạt động trên nhiều kênh khác nhau như điện thoại di động, website, social.

4.4 Các nhân tố đáng quan tâm trong việc phân tích website:

  • Số lượng người ghé thăm – Visitor
  • Pageview
  • Traffic Referrals
  • Traffic Sources
  • Thời gian trung bình lưu lại trên website
  • Phần trăm phiên truy cập mới
  • Nhân khẩu học
  • Số lượng người dùng Mobile và số lượng người dùng PC

Hoạt động Marketing và kinh doanh trên thế giới đang phát triển liên tục. Để đi đầu trong một cuộc chơi và cạnh tranh hiệu quả trong thị trường của bạn, điều quan trọng là phải tận dụng tối đa các nguồn lực vốn có của Digital Marketing nhằm triển khai thành công một chiến dịch Marketing tổng thể. Định hướng doanh nghiệp của bạn đi đúng đường, bám sát vào 4 hoạt động chính đã nêu trên sẽ giúp cho bạn có một chiến dịch Digital Marketing hiệu quả.

Nguồn: cjgdigitalmarketing.com